Được bảo hộ tại Nhật
Là sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Bình Thuận, quả thanh long đã thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, toàn tỉnh có khoảng 10.500 ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP, chiếm 31,1% tổng diện tích và gần 355ha thanh long được cấp Giấy chứng nhận GlobalGAP.
Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, cho biết, tỉnh này xem thanh long là cây lợi thế và đặc sản của địa phương, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Hiện thanh long Bình Thuận khoảng 80% được xuất khẩu, 15% tiêu thụ nội địa. Với khoảng 30.000 hộ nông dân tham gia sản xuất, thu mua, sơ chế xuất khẩu thanh long, hàng năm tạo việc làm thường xuyên cho 70–80 ngàn lao động.
Quả thanh long Bình Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa vào ngày 15/11/2006 theo Quyết định số 786/QĐ-SHTT và ngày 8/7/2011, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 14/2011/QĐ-UBND kèm theo Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho sản phẩm quả thanh long.
Vải thiều và thanh long của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản (ảnh: BG) |
Ngày 07/10/2021, thanh long Bình Thuận, được Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Thanh long Bình Thuận" với số đăng ký 110.
Ngoài tác dụng bảo vệ thương hiệu cho nông sản, tránh bị “đánh cắp” khi sang thị trường nước ngoài, những sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý ở Nhật Bản thường có giá bán cao hơn thông thường và được người dân nơi đây ưa chuộng vì “họ hiểu rẳng, các sản phẩm này đã được MAFF đứng ra bảo đảm chất lượng, do vậy, họ sẽ tin tưởng và sẵn sàng mua sản phẩm đó hơn”.
Được bảo hộ chỉ dẫn địa lý có thể nói như "giấy thông hành" để vào thị trường Nhật Bản nói riêng, thế giới nói chung. Việc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận tại thị trường Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính như Châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand,…
Tháng 3/2021, phòng Sở hữu trí tuệ, Cục Công nghiệp thực phẩm (FIAB), Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản đã có thông báo về vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật. Hiện vải thiều của Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia, gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia.
Trước đó, vải thiều Lục Ngạn đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam vào năm 2008 (Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00015 được cấp theo Quyết định số 1012/QĐ-SHTT ngày 25/06/2008 của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ), và cũng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở châu Âu sau khi Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào năm 2020.
Phát triển theo chiều sâu
Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản, đặc sản của Việt Nam gắn với chỉ dẫn địa lý (nhất là bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài) đã và đang trở thành một định hướng quan trọng nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm, khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của Việt Nam.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang Nguyễn Viết Toàn cho biết, tỉnh định hướng phát triển vải thiều Lục Ngạn thành sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.
Năm 2021, diện tích vải thiều tỉnh Bắc Giang là 28.100 ha với sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020). Ngay sau khi kết thúc vụ vải năm 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, không mở rộng diện tích mà tập trung phát triển theo chiều sâu để nâng cao năng suất, chất lượng vải thiều.
Sở NN-PTNT cùng UBND các huyện tập trung đào tạo, tập huấn cho cán bộ, ban điều hành, tổ hợp tác và các hộ nông dân sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; khuyến cáo sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng trên vải, ưu tiên dùng thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc có thời gian cách ly ngắn, đảm bảo thời gian cách ly ghi trên nhãn thuốc và không sử dụng thuốc chứa hoạt chất đối với các thị trường đã cấm như Mỹ, Úc, Nhật Bản.
Tỉnh chỉ đạo triển khai nhân rộng việc áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm vải thiều (mã số, mã vạch gắn với thông tin tra cứu về sản phẩm), qua đó kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu: sản xuất, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường nội địa và xuất khẩu.
Ông Phan Văn Tấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, cơ quan này sẽ triển khai quyết liệt các biện pháp nâng cao chất lượng trái thanh long theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm và xem đây là yếu tố then chốt để cây thanh long phát triển ổn định, bền vững và lâu dài.
Theo đó, sẽ tăng cường công tác vận động, tuyên truyền đến người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP; triển khai đồng bộ từ khâu sản xuất đến cơ sở đóng gói, sơ chế, bảo quản để chủ động phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh đó sẽ ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất chế biến thanh long cũng như từng bước phát triển sản xuất thanh long theo hướng GlobalGAP để mở rộng thị trường.
Vận động, tuyên truyền phát triển mạnh các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất thanh long theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Cũng như nâng cao nhận thức người nông dân trong thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng thanh long để giảm chi phí cả đầu vào và đầu ra, giúp sản phẩm nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất, kinh doanh góp phần hạn chế rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ.
Bảo Anh