“Cửa ngõ” khu vực “Tam giác phát triển” Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia
Khu vực Tây Nguyên đóng vai trò quan trọng trong “Tam giác phát triển” Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia.
Việc duy trì và củng cố tuyến biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác phát triển với các nước láng giềng trên địa bàn Tây Nguyên không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm quốc phòng - an ninh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng, mà còn đối với cả nước.
Bao trùm trên diện tích khoảng 54.600km2, gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, Tây Nguyên là vùng tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, với khoảng 2,2 triệu người (chiếm 15,6% dân số cả nước năm 2019).
Được mệnh danh là “nóc nhà của Đông Dương”, nằm ở khu vực ngã ba biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia, Tây Nguyên là “cửa ngõ” khu vực “Tam giác phát triển” Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn xác định Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước, dành sự ưu tiên phát triển vùng Tây Nguyên trở thành “đầu tàu” của khu vực “Tam giác phát triển”.
Để thực hiện được mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là vừa củng cố và duy trì tuyến biên giới đất liền với các nước bạn Lào, Cam-pu-chia trên địa bàn Tây Nguyên luôn hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển, vừa tạo điều kiện thuận lợi phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, giao thương, góp phần khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của vùng để từng bước nâng cao đời sống nhân dân trên toàn khu vực Tây Nguyên và các vùng lân cận. Đây chính là một nhiệm vụ mang nội hàm kép, nghĩa là vừa cần tổ chức quản lý tốt đường biên, mốc giới, vừa từng bước giải quyết các vấn đề còn tồn tại nhằm tạo lập và duy trì một đường biên giới rõ ràng, ổn định.
Thực tiễn và những vấn đề đặt ra
Khu vực Tây Nguyên có 586,4km đường biên giới đi qua 31 xã biên giới, thuộc 12 huyện(2) của hai nước Lào và Cam-pu-chia. Trong khi Việt Nam và Lào đã xác lập hoàn chỉnh đường biên giới cả trên thực địa và phương diện pháp lý, thì Việt Nam và Cam-pu-chia mới hoàn thành phân giới cắm mốc khoảng 84% đường biên giới trên đất liền. Trong đó, tại khu vực Tây Nguyên, hai nước đã hoàn thành khoảng 312,8km, còn khoảng 119,4km cần tiếp tục giải quyết (trong tổng số khoảng 213km đường biên giới trên đất liền của hai nước chưa hoàn thành phân giới cắm mốc).
Thời gian qua, chính quyền địa phương các nước đã và đang phối hợp chặt chẽ tổ chức thực hiện tốt các văn kiện pháp lý về biên giới đã ký kết giữa Việt Nam và các nước bạn Lào, Cam-pu-chia, bao gồm: Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào (năm 2016); Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào (năm 2016); Hiệp định về quy chế biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia (năm 1983); Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia (năm 2019),...
Các lực lượng chuyên trách bảo vệ biên giới của hai nước thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin, phối hợp giải quyết tốt các vấn đề an ninh biên giới, không để xảy ra vụ việc phức tạp, kéo dài. Qua đó, đường biên, mốc giới trên địa bàn được bảo vệ và duy trì ổn định; các mốc bị hư hỏng hoặc có nguy cơ sạt lở cao được phát hiện kịp thời, báo cáo lên cấp có thẩm quyền để có biện pháp xử lý phù hợp.
Tình hình an ninh, trật tự khu vực biên giới cũng cơ bản ổn định, không có các vụ việc phức tạp phát sinh, góp phần duy trì tuyến biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Tây Nguyên hiện có 6 cửa khẩu đang hoạt động, gồm: 3 cửa khẩu với Lào, trong đó, có 1 cửa khẩu quốc tế (Bờ Y, Kon Tum - Phu Cưa, Ắt Tạ Pư) và 2 cửa khẩu phụ (Đắk Blô, Kon Tum - Đắk Bar, Xê Kông và Đắk Long, Kon Tum - Văng Tắt, Ắt Tạ Pư); 3 cửa khẩu với Cam-pu-chia, trong đó có 1 cửa khẩu quốc tế (Lệ Thanh, Gia Lai - O Za Dao, Rattanakiri) và 2 cửa khẩu chính (Bu Prăng, Đắk Nông - Đắk Đam, Mondulkiri và Đắk Peur, Đắk Nông - Bu Sara, Mondulkiri).
Hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền ở khu vực Tây Nguyên đóng vai trò là cầu nối thúc đẩy giao thương giữa Tây Nguyên với các khu vực thuộc tiểu vùng sông Mê Công, giữa Việt Nam và các nước bạn Lào, Cam-pu-chia, đồng thời tận dụng các lợi thế tiềm năng của từng địa phương biên giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng biên.
Tuy nhiên, một số cửa khẩu ở Tây Nguyên chưa được đầu tư đúng mức, đồng bộ ở cả hai phía (hai bên đã thỏa thuận mở cửa khẩu chính Đắk Ruê, Đắk Lắk - Chi Miết, Mondulkiri, nhưng từ năm 2007 đến nay chưa có đường giao thông và kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh để đưa cửa khẩu vào hoạt động).
Tỉnh Kon Tum nằm ở vị trí “đắc địa” ngã ba biên giới, nhưng mới có cửa khẩu thông thương với Lào, chưa có cửa khẩu kết nối với Cam-pu-chia. Như vậy, so với các tỉnh khác có biên giới với Lào và Cam-pu-chia, việc phát triển hệ thống cửa khẩu ở các tỉnh Tây Nguyên còn nhiều hạn chế.
Trong hai năm 2020 - 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hầu hết các lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và hai nước bạn Lào và Cam-pu-chia gặp nhiều khó khăn: Hoạt động đầu tư, thương mại qua biên giới bị ngưng trệ, không thể triển khai; việc qua lại biên giới bị hạn chế do chính sách phòng, chống dịch bệnh của chính phủ mỗi bên.
Mặc dù vậy, vượt qua những khó khăn, thách thức, các lực lượng chức năng liên quan đã phối hợp chặt chẽ, nỗ lực thực hiện có hiệu quả công tác biên giới, cửa khẩu, góp phần quan trọng vào sự thành công trong nỗ lực phòng, chống đại dịch của cả ba nước, không để ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và vẫn bảo đảm quản lý tốt đường biên, mốc giới.
Bạch Hân (lược trích), Hoàng Hà, Ngọc Dũng