Phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới
Thực tế đã chứng minh, nền kinh tế nông nghiệp và khu vực nông thôn luôn là trụ đỡ của nền kinh tế quốc gia, là điểm tựa cho sự phát triển của đất nước, đặc biệt trong những lúc khó khăn...
Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa qua đã xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, một trong những nhiệm vụ là đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Nền kinh tế nông nghiệp và khu vực nông thôn luôn là trụ đỡ của nền kinh tế quốc gia, là điểm tựa cho sự phát triển của đất nước. |
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ: Kinh tế nông thôn nằm trong tổng thể của chương trình cơ cấu lại nông nghiệp. Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới không có một tiêu chí nào về kinh tế nông thôn, chỉ có một tiêu chí về mô hình phát triển kinh tế tập thể.
Nghị quyết Đảng lần thứ XIII đã xác định đây là một mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, vừa phục vụ cho xây dựng nông thôn mới vừa trong cơ cấu lại nông nghiệp. Đây là cầu nối giữa cơ cấu lại nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng nông thôn mới không chỉ đáp ứng một phần những thay đổi về diện mạo nông thôn thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mà mục tiêu cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập của người dân. Thực ra, nâng cao thu nhập người dân chưa đầy đủ lắm mà đủ đó là phải nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn.
Phát triển được kinh tế nông thôn sẽ tạo ra vật chất giúp xây dựng nông thôn mới mà giúp nâng cao chất lượng nông dân. Khi đó, người nông dân sẽ đúng vai trò là trung tâm, chủ thể trong tiến trình cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Nói tới kinh tế nông nghiệp đa phần là chúng ta nghĩ tới những tập đoàn doanh nghiệp lớn để dẫn dắt cơ cấu lại nông nghiệp. Nhưng thực tế cho thấy, số lượng những doanh nghiệp nông nghiệp sẽ không đủ phủ kín trong bức tranh nông nghiệp.
Bởi hiện chúng ta có mười mấy nghìn doanh nghiệp nông nghiệp nhưng cũng còn vài chục triệu nông dân. Những hộ nông dân vừa là người sản xuất nông nghiệp vừa là người tham gia vào những loại hình mang tính chất kinh tế tập thể như hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc là doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn.
Như vậy, kinh tế nông thôn là một hệ sinh thái để làm một chất kích thích, là nền tảng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông thôn, chỗ dựa tạo ra sự liên kết từ sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến… với sự tham gia giữa các doanh nghiệp để thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Tư duy kinh tế nông nghiệp một trong những thành tố là kinh tế nông thôn.
HTX ã phải tham gia vào các chuỗi giá trị của một ngành hàng, một vùng nông sản
Để phát triển kinh tế nông thôn thì cần xem lại những gì đang cản trở kinh tế nông thôn phát triển để đưa ra những khuyến nghị chính sách, cơ chế nhằm kích thích sự phát triển, vượt qua những sự cản trở đó.
Có một thời gian chúng ta chỉ chú trọng tới những doanh nghiệp lớn những nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều đó cũng quan trọng, rất cần thiết bởi vì chỉ có những doanh nghiệp lớn mới dẫn dắt được một xu thế thị trường, định ra được phát triển thị trường. Nhưng, với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ có đôi lúc chúng ta lại thiếu mặn mà. Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng xem nhẹ việc phát triển về hợp tác xã và thậm chí không chú trọng lắm.
Trong khi đó, hợp tác xã bản chất là sức mạnh của số đông, từ đơn lẻ mà tập hợp được nhiều. Rất nhiều quốc gia thành công về hợp tác xã, kể cả những quốc gia gần như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan.
Thời gian vừa qua, rất nhiều hợp tác xã được thành lập, cũng đã đóng góp được một phần trong chuỗi liên kết như thu mua nông sản. Tuy nhiên, hợp tác xã chỉ đảm được một phần nhỏ trong công việc thay vì một người thương lái đi thu mua nông sản của nông dân.
Hợp tác xã cần hướng tới vận hành không chỉ là tham gia vào các chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, được đóng vai trò trung gian mà hợp tác xã phải tham gia vào các chuỗi giá trị của một ngành hàng, một vùng nông sản nào đó, tức là từ chuỗi liên kết chuyển thành chuỗi giá trị.
Khi chuyển thành chuỗi giá trị thì nông sản đó sẽ được phân loại, bảo quản, sơ chế, chế biến… đa dạng hóa nông sản đó. Khi đó, nông dân ngoài hưởng từ thành quả sản xuất, họ tham gia vào những hoạt động dịch vụ của hợp tác xã sẽ hưởng thêm những giá trị gia tăng.
Bạch Hân (lược ghi)