Hàng loạt các doanh nghiệp (DN) mới nổi, thương hiệu thuần Việt bắt đầu được biết đã bị bán đi một cách vội vàng đầy nuối tiếc. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn quanh quẩn với hơn 90% DN nhỏ và siêu nhỏ, thiếu vắng các DN lớn trụ cột trong hầu hết các lĩnh vực. Đây có thể là nguyên nhân lý vì sao chúng ta thường thua thiệt trong cạnh tranh thời hội nhập.

Bán mình cho doanh nghiệp ngoại

Những đồn đoán về FPT bán hệ thống bán lẻ của mình đã thành sự thực. Các thông tin cho thấy, tập đoàn này cùng nhà tư vấn đã thực hiện các bước đi quan trọng để chào bán một trong những DN quan trọng nhất của mìn. Được biết, đối tác quan tâm chào mua đều là nước ngoài.

Đây có thể là một thương vụ nữa kéo dài danh sách các DN, thương hiệu Việt bán mình cho đối tác ngoại. Điều đó cũng có nghĩa là các ông lớn nước ngoài lại rộng cửa thâm nhập thị trường Việt Nam.

Cuối 2014, giới kinh doanh bất ngờ khi Tập đoàn Kinh Đô (KDC) quyết định bán 80% mảng truyền thống là sản xuất và kinh doanh bánh kẹo, cho nhà đầu tư ngoại Mondelez International.

{keywords}
Thương hiệu Dạ Lan biến mất sau một cú thây tóm.

Thỏa thuận này đã mang về cho ông chủ của Kinh Đô 370 triệu USD (khoảng 8 ngàn tỷ đồng), một khoản tiền rất lớn đối với một DN trong nước. Tuy nhiên, khối tiền này cũng đánh dấu chấm hết của một thương hiệu bánh kẹo thuần Việt nổi tiếng 20 năm qua.

Hàng loạt nhãn hiệu bánh kẹo gắn liền với Kinh Đô và quen thuộc với người Việt đã về tay đại gia bánh kẹo Mỹ để tạo nên một DN ngoại ở thị trường nội địa.

Cuối 2012, thương hiệu gạch ốp lát vừa chiếm lĩnh vị trí số 1 được thị trường trong nước Prime được chuyển cho Tập đoàn xi măng Siam (SCG) sau khi đại gia Thái này bỏ ra 240 triệu USD (gần 5.000 tỷ đồng) mua 85% cổ phần.

Trong thời kỳ đầu mở cửa, một thương hiệu lớn khác của Việt Nam cũng đã được bán đứt cho DN nước ngoài. “Niềm tự hào” thương hiệu Việt: kem đánh răng Dạ Lan của doanh nhân Trịnh Thành Nhơn được bán cho Colgate Palmolive với 3 triệu USD. Thương hiệu kem đánh răng thống trị thị trường trong nước, chiếm tới 50-90% thị phần từng khu vực, đã về tay DN Mỹ.

Sau đó, giới đầu tư còn chứng kiến hàng loạt các thương hiệu Việt đáng tự hào được bán cho DN ngoại như: Diana của doanh nhân Đỗ Minh Phú cũng đã được chuyển cho Unicharm của Nhật Bản với giá 184 triệu USD; bảo hiểm AAA của bà Đỗ Thị Kim Liên bán cho Tập đoàn IAG của Úc...

Thậm chí những cái tên mới nổi gắn liền với văn hóa và thế mạnh Việt Nam như Phở 24, Highlands Coffee, Bia Huda… cũng lần lượt lọt vào tay đại gia ngoại.

Với thương vụ FPT, nếu đúng lộ trình thì có lẽ không lâu nữa, một tên tuổi bán lẻ của người Việt cũng sắp sửa được bán cho người nước ngoài. Công ty Cổ phần FPT của ông Trương Gia Bình đã tính tới chuyện bán mảng phân phối bán lẻ của mình bao gồm FPT Trading và FPT Shop và những cái tên đầu tiên được tiết lộ đều đến từ Nhật, Mỹ, Hong Kong.

Như vậy, chuỗi bán lẻ di động lớn thứ 2 tại thị trường Việt Nam: Fshop sắp rơi vào tay một DN ngoại. Hãng tin Nikkei của Nhật thậm chí còn đã đưa tin FPT rao bán mảng bán lẻ và phân phối với giá khoảng 120 triệu USD.

Nền kinh tế thiếu vắng trụ cột?

Hiện tượng xây rồi bán là khá bình thường trong khởi sự kinh doanh. Tuy nhiên, điều mà nhiều người lo ngại là hầu hết các thương hiệu tên tuổi hàng đầu tại Việt Nam dần dần được nhắm để bán hết cho nước ngoài. Thị trường mất đi các DN thuần Việt, mất đi thương hiệu Việt trụ cột.

Dạ Lan, P/S thực sự là niềm tự hào thương hiệu Việt. Ngay thời kỳ đầu khi đất nước chuyển mình đổi mới. Thời điểm đó, hàng Việt rất ít nhưng chính 2 thương hiệu này đã khơi dậy niềm tin vào DN Việt. Dạ Lan và P/S thậm chí còn đánh bật các sản phẩm khác xác lập vị thế ở thị trường nội địa.Tuy nhiên, giờ đây trên thị trường chăm sóc răng miệng Việt Nam, phủ đầy các cửa hàng, siêu thị là các sản phẩm của DN ngoại. Colgate Palmolive đã bóp chết thương hiệu Dạ Lan thay bằng kem đánh răng Colgate.

{keywords}
Bán lẻ hiện đại Việt Nam đang là sân chơi chính của các DN ngoại.

Trên thị trường bánh kẹo, sau vụ Kinh Đô bán cho người Mỹ, thì khối các DN nội quá lép vế không còn đối trong nào so với DN ngoại trên thị trường có giá trị hơn 1 tỷ USD này. Riêng Kinh Đô có lợi nhuận cao hơn 6 DN tiếp theo (gồm: Orion, Perfetii Van Melle, Bibica, Hải Hà, Hữu Nghị và Hải Châu) cộng lại. Trong khi đó, Orion và Perfetii Van Melle là DN ngoại.Còn Bibica đang nằm trong vùng tranh chấp giữa ông ngoại Hàn Quốc Lotte và cổ đông nội SSI.Hải Hà và Hữu Nghị quá nhỏ bé so với các DN nước ngoài.

Ngay đến cả nhưng tên tuổi kinh doanh trong lĩnh vực thế mạnh Việt Nam như phở, cà phê… thì DN nội cũng bị lấn át.Vài năm gần đây, trong khi hàng loạt DN xuất khẩu cà phê trong nước phá sản hàng loạt do giá giảm thì các DN FDI vẫn tăng vốn đầu tư vào sản xuất như Nestlé Việt Nam, Cà phê Ngon, Olam Việt Nam…

Thị trường bảo hiểm chứng kiến sự ưu tiên mở cho các NĐT nước ngoài. Cho đến nay, hầu hết các gương mặt lớn trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam, trong đó, riêng Mỹ đã có AIA, AIG, ACE non life, ACE life, MetLife, Liberty. Một số mảng bảo hiểm như hàng hóa vận chuyển xuất nhập khẩu giá trị lớn đều rơi vào tay các DN ngoại.

Trong lĩnh vực phân phối, FPT chính là một nhà bán lẻ thuần Việt vì thế việc DN này sắp rơi vào tay nước ngoài là một tiếc nuối. Thực tế, việc xây lên là bán là một chiến lược kiếm tiền nhưng bán cho ai, chọn đối tác nội hay ngoại thể hiện tầm nhìn và chiến lược của doanh nhân Việt. Nền kinh tế không có thương hiệu lớn, thiếu vắng các DN dân tộc đủ tầm cỡ sẽ rất khó để cạnh tranh và phát triển bền vững.

Nếu tất cả các DN Việt đều chạy theo xu hướng “bán mình cho tây” thì các DN nội địa còn lại sẽ phải “thọ địch tứ bề”: vừa phải đối đầu với các tập đoàn nước ngoài đầu tư trực tiếp, vừa phải chịu những cú thọc sườn nguy hiểm của những đối thủ nước ngoài bất ngờ xuất hiện thông qua thâu tóm, sáp nhập. Đã đến lúc cần những chính sách mạnh mẽ và thực chất hơn để nuôi dưỡng những DN Việt lớn mạnh để làm trụ cột cho một nền kinh tế có thực lực.

M.Hà