Với mức giá chỉ khoảng 5.500 USD (khoảng 129 triệu đồng), xe điện mini Wuling đã nhanh chóng trở thành cái tên ăn khách và bán chạy hơn cả Tesla tại Trung Quốc.

Với những thành công vang dội ở thị trường quê nhà, hãng xe Wuling lại tham vọng “đánh chiếm” thị trường quốc tế.

Điểm dừng chân đầu tiên của mẫu xe điện mini Wuling là Indonesia – thị trường xe máy lớn nhất nhì Đông Nam Á. Nhiều người nghi ngại rằng xe điện Wuling sẽ không thể thay đổi được thói quen sử dụng xe máy, xe hai bánh của người dân tại đây và sẽ sớm "chết yểu" trong thời gian ngắn.

Xe điện Wuling được bán tại Indonesia (Ảnh: Wuling)

Tuy nhiên, thực tế lại khác xa so với những quan ngại kể trên. Mẫu xe điện Wuling Air được bán ra với mức giá chỉ 16.000 USD (377 triệu đồng) – thấp hơn một nửa so với nhiều đối thủ trong cùng phân khúc đã thu hút được sự chú ý của người dùng.

Wuling Air được xem như là mẫu xe điện tối giản, hướng đến tương lai và là một giải pháp phù hợp cho những cư dân trong các thành phố đông đúc của Indonesia.

Indonesia là thị trường tiêu thụ xe máy lớn nhất Đông Nam Á (Ảnh: Wowshack)

Chỉ sau 6 tháng được giới thiệu (từ tháng 8/2022), doanh số của Wuling Air đã đạt khoảng 8.000 xe, thống trị thị trường xe điện Indonesia, theo Hiệp hội Công nghiệp ô tô Indonesia.

Mặc dù con số này có thể không thấm vào đâu so với doanh số xe Wuling tại các thị trường khác như Mỹ và Trung Quốc nhưng thực tế, nó tương đương với 78% thị trường xe điện tại quốc gia Đông Nam Á này.

Mẫu xe điện mini nhỏ gọn với chiều cao 1,6 mét có thiết kế mang hơi hướng tương lai và có thể chở 4 hành khách. Mặc dù Wuling Air không hoàn hảo khi nhiều khách hàng vẫn hay phàn nàn về việc hỏng pin hay khó tìm điểm sạc nhưng mẫu xe này vẫn chinh phục được người dùng nhờ mức giá siêu hấp dẫn.

Michael – Trưởng bộ phận tiếp thị của một showroom Wuling tại thành phố Medan cho hay “Wuling Air EV là mẫu xe điện rẻ nhất ở Indonesia vào thời điểm hiện tại. Nó thậm chí còn không có đối thủ cạnh tranh trực tiếp nào”.

Độ phủ sóng mạnh mẽ của Wuling Air tại Indonesia (Ảnh: Rest of World)

Cũng giống như Việt Nam, Indonesia là xứ sở của xe hai bánh, xe gắn máy với lượng xe máy sử dụng nhiều ngang ngửa với phần còn lại của Đông Nam Á. Vào năm 2022, doanh số bán xe máy tại đây cao hơn 5 lần so với doanh số bán xe ô tô.

Các hãng xe điện đang tìm cách đưa các dòng xe điện hai bánh vào phục vụ người dân khi chính phủ Indonesia đặt mục tiêu đưa 2,5 triệu xe điện chạy trên đường vào năm 2025. Chẳng hạn như Gojek đã hợp tác với hãng xe Đài Loan Gogoro để cung cấp hàng trăm mẫu xe máy điện cho nhân viên của hãng.

Tuy nhiên, tốc độ sử dụng ô tô tại Indonesia cũng đang tăng nhanh đến mức đáng ngạc nhiên. Thay vì xe máy, nhiều người muốn di chuyển trong thành phố trên một chiếc ô tô thoải mái hơn.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia trong ngành công nghiệp ô tô ở Indonesia cho hay khi muốn sở hữu một chiếc EV, điều đầu tiên mà người tiêu dùng nghĩ đến là sự uy tín và giá thành dễ tiếp cận chứ không phải muốn cắt giảm chi phí xăng dầu hay bảo vệ môi trường. Và rõ ràng Wuling Air đáp ứng được những tiêu chí đầu tiên kia.

Một chiếc Nissan Leaf hay Hyundai Ioniq hiện có giá 48.000 USD (tương đương 1,1 tỷ đồng) nằm ngoài khả năng của nhiều người dân Indonesia. Trái lại, một chiếc xe điện Wuling với giá 16.000 USD (377 triệu đồng) đối với bản tiêu chuẩn và 20.000 USD (472 triệu đồng) đối với bản nâng cao lại “vừa tầm” với hầu hết người dân tại quốc gia này.

Với mức giá đó, người dân Indonesia sẵn sàng bỏ qua một số lỗi của xe – thậm chí là cả những lỗi nghiêm trọng.

Ba tháng trước, Erik – chủ gara ở Medan đã quyết định mua một chiếc Wuling Air EV. Tuy nhiên, trong lần lái xe đầu tiên, chiếc xe điện đã đột ngột tắt máy. Đây không phải là chủ xe đầu tiên ở Indonesia gặp phải trường hợp này. Một người dùng khác cũng rơi vào tình huống tương tự và phải mất 2 tuần để đợi thay pin.

Người dùng bỏ qua nhiều hạn chế của Wuling Air chỉ vì mức giá hợp lí (Ảnh: Wuling)

Không chỉ vậy, cơ sở hạ tầng còn hạn chế cũng gây không ít rắc rối cho các chủ xe điện nói chung và chủ xe Wuling Air nói riêng.

Rifai, một người dùng Wuling Air cho hay anh chỉ sử dụng chiếc xe điện của mình để di chuyển trong nội đô. “Tôi không chắc về việc sẽ lái chiếc Wuling Air này trong những chuyến đi liên tỉnh”. Việc thiếu các trạm sạc khiến anh lo ngại rằng “mình chỉ có thể đi chứ không thể quay về”.

Theo thống kê, hiện có 569 trạm sạc xe công cộng trên 6.000 hòn đảo của Indonesia, trong đó, 502 trạm sạc tập trung ở Java và Bali – những khu vực có dân số cao nhất. So với việc sạc điện tại các trạm sạc thì rõ ràng việc đổ xăng tại trạm xăng vẫn dễ dàng và nhanh chóng hơn nhiều.

Dẫu vậy, Wuling Air vẫn nhận được nhiều đánh giá tích cực, đơn cử như khả năng tiết kiệm nhiên liệu. Dharmawan – chủ xe Wulling cho hay trước đây anh sử dụng một chiếc ô tô chạy bằng dầu diesel với số tiền nhiên liệu lên tới 70 USD/tháng (khoảng 1,6 triệu đồng/tháng). Tuy nhiên, với Wuling Air, anh hiện chỉ phải bỏ ra khoảng 20 USD/tháng (472.000 đồng/tháng) để phục vụ cho việc đi lại của mình.

Trong một tuyên bố với Rest of World, đại diện hãng Wuling cho hay hãng đang hướng tới mục tiêu giáo dục và phổ cập kiến thức về lợi ích của xe điện nhằm tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Một người yêu thích Wuling Air tại Indonesia cho hay “Xe điện giống như mở ra một kỉ nguyên mới, giống như khi mọi người chuyển từ cưỡi ngựa sang đi xe ô tô”.

Nhật Minh (Theo Rest of World)