Theo quy định, xe kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình để theo dõi, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, nhiều xe chạy quá tốc độ nghìn lần trong tháng mà 2 tháng sau mới bị xử lý vì đợi lập danh sách.
Đơn cử như tại Hà Nội, phải đến tháng 10/2023 Sở GTVT mới ra thông báo số lượng xe ô tô kinh doanh vận tải vi phạm trong tháng 8. Danh sách này được khai thác từ dữ liệu đường truyền của Cục Đường bộ Việt Nam. Hay như vụ tài xế xe khách Thành Bưởi gây tai nạn, cơ quan chức năng phát hiện có những xe bị tước phù hiệu tới 246 lần trong 9 tháng.
Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn về việc sử dụng hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình có phát huy được tác dụng sớm, kịp thời?
Trao đổi với PV VietNamNet về vấn đề này, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT) cho biết: Từ năm 2015, Cục đã thực hiện xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để tiếp nhận và xử lý dữ liệu được truyền về từ thiết bị lắp trên xe ô tô.
“Ngành GTVT đã ứng dụng CNTT từ rất sớm trong quản lý vận tải. Hiện nay, hệ thống đang tiếp nhận dữ liệu của 939.097 xe ô tô kinh doanh vận tải được các Sở GTVT cấp phù hiệu, biển hiệu thuộc 88.427 đơn vị kinh doanh vận tải”, ông Thống nói.
Ông Thống khẳng định, hệ thống dữ liệu giám sát hành trình vẫn đang hoạt động hiệu quả trong việc phục vụ công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải tại các địa phương.
Theo đó, hệ thống vẫn đang thực hiện chức năng theo dõi giám sát việc cấp phù hiệu, biển hiệu của xe ô tô kinh doanh vận tải, xe không truyền dữ liệu, lái xe quá tốc độ, quá thời gian quy định, hành trình của xe ....
Ngoài ra, hệ thống công dữ liệu giám sát hành trình cũng phục vụ công tác điều tra các vụ án trên địa bàn cả nước của ngành Công an, phục vụ công tác điều tra tai nạn giao thông, phòng chống buôn lậu của ngành Hải quan và công tác quản lý thuế của ngành tài chính.
“Đến nay, Cục đã cung cấp 252 tài khoản truy cập vào hệ thống cho các Sở GTVT và Thanh tra giao thông 63 tỉnh, thành phố để phục vụ công tác quản lý vận tải trên địa bàn.
Hiện Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã cung cấp tài khoản truy cập vào hệ thống cho Cục Cảnh sát giao thông, Cục điều tra phòng chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan và Cục thuế một số địa phương.
Tháng 10/2023, Cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục cung cấp 64 tài khoản truy cập vào hệ thống dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình cho Cục CSGT và Phòng CSGT công an 63 tỉnh, thành phố để phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, ông Thống thông tin.
Dữ liệu giám sát hành trình "nóng" thành "nguội"
Lý giải việc chậm ra quyết định xử phạt, nhiều địa phương cho rằng Nghị định 10 quy định, hàng tháng các sở GTVT tập hợp danh sách xe vi phạm. Do vậy, cuối mỗi tháng Sở GTVT các địa phương mới tập hợp các danh sách này.
Trước ý kiến này, ông Thống cho biết, dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình được truyền song song về doanh nghiệp kinh doanh vận tải và Cục Đường bộ Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp sẽ nắm được thông tin quá trình vận chuyển các xe hàng ngày mà không phải chờ cuối tháng mới biết.
“Để lái xe chạy quá tốc độ dẫn đến ta tai nạn, trước tiên phải khẳng định là đơn vị vận tải đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm, không quản lý được lái xe. Ý thức của người lái xe không tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh, không tuân thủ đúng tốc độ giới hạn trên đường”, ông Thống nói.
Về phía các Sở GTVT, theo Cục Đường bộ Việt Nam, sau các lần cập nhật phần mềm và nâng cấp hệ thống, hiện hệ thống dữ liệu giám sát hành trình được chia sẻ đến các sở có thể truy cập hàng ngày, hàng tuần với từng xe hoạt động trên đường.
Do vậy, trong công tác quản lý, giám sát các xe kinh doanh vận tải được cấp phép, hiện các Sở GTVT không cần phải chờ hết tháng mới vào tải số liệu xuống mà có thể vào hàng ngày, hàng tuần.
Đáng lưu ý, vừa qua, sau khi có một số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng do tài xế chạy xe vượt quá tốc độ quy định, Cục Đường bộ Việt Nam đã ra văn bản yêu cầu các Sở GTVT chủ động vào hệ thống hàng ngày để theo dõi, xử lý kịp thời xe vi phạm giao thông.
Hiện Cục Đường bộ Việt Nam cũng đang triển khai Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023-2025, định hướng đến 2030". Theo đó, một trong những nhiệm vụ lớn đến năm 2025 là phải thực hiện xây dựng, hoàn chỉnh các hệ thống CNTT quản lý hoạt động vận tải phục vụ công tác quản lý Nhà nước.
“Khi hệ thống xây dựng xong sẽ hình thành cơ sở dữ liệu về hoạt động vận tải dùng chung cho các ngành GTVT, Công an, Thuế, Hải quan để phục vụ công tác quản lý. Khi đó hệ thống tự động tổng hợp các lỗi vi phạm của đơn vị kinh doanh vận tải, xe kinh doanh vận tải, lái xe, để hỗ trợ cơ quan quản lý trong thanh tra, kiểm tra, xử phạt nguội đối với các hành vi vi pham”, ông Thống thông tin.
Đối với ngành GTVT, ông Thống cho biết, thời gian vừa qua các Sở GTVT đã sử dụng hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phục công tác quản lý vận tải.
“Qua thống kê cho thấy, kể từ khi đưa vào sử dụng và khai thác, hệ thống đã góp phần quan trọng trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải. Các vụ tai nạn giao thông do xe kinh doanh vận tải liên tục được kéo giảm trong những năm qua. Theo tính toán từ hệ thống, tỷ lệ vi phạm tốc độ tính bình quân trên 1.000 km giảm mạnh (năm 2015 tỷ lệ này là 11,5 lần/1.000 km, năm 2022 chiếm tỷ lệ 0,75 lần/1.000 km, giảm khoảng 20 lần so với năm 2015)”, ông Thống nhấn mạnh.