Anh Nguyễn Quốc Tuấn (Tố Hữu, Hà Đông) vừa mua lại chiếc Mazda6 đời 2014 của một người quen với giá khá rẻ chưa đến 400 triệu đồng. Tuy nhiên, gần đây xe của anh xuất hiện hiện tượng xe bị rung giật, mới đầu mức độ rung giật chỉ nhẹ nhàng nhưng cấp độ dần tăng lên sau 2-3 ngày tiếp theo.
"Có hôm chở gia đình sang bên ông bà ngoại ăn cơm mà xe cứ rung bần bật khiến vợ và con trai tôi cứ tưởng xe đang chạy qua gờ giảm tốc", anh Tuấn kể lại với PV VietNamNet. Đó là lý do khiến anh quyết định mang xe tới gara để kiểm tra xem chiếc xe của mình đang gặp vấn đề gì.
Tại gara sửa chữa, kỹ thuật viên cho biết chiếc xe của anh cần phải thay toàn bộ cao su chân máy do dàn cao su chân máy của xe đã lão hóa, dẫn đến bị hỏng và mất tác dụng giảm rung cho động cơ.
Anh Tuấn cho biết: "Khi mua xe, thợ xem xe cũng có bảo với mình rằng xe này đã chạy được hơn 140.000km, tầm khoảng 160.000-180.000km thì nên thay cao su chân máy. Tuy nhiên, tôi không nghĩ mới lấy xe chưa được 1 tháng, chạy đâu đó chỉ hơn 700km mà chiếc xe đã đổ bệnh sớm thế".
Xe bị rung lắc quá nhiều, không nên chủ quan
Trao đổi với VietNamNet, anh Đoàn Quang Trung, chủ gara ô tô Trung Anh (Quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, cao su chân máy được xem là bộ phận vô cùng quan trọng trên xe bởi chúng giúp xe di chuyển một cách êm hơn nhờ nhiệm vụ nâng đỡ và hấp thụ các rung lắc trong quá trình động cơ ô tô hoạt động tới khung xe.
Khi toàn bộ chiếc xe rung lên và hành khách cảm thấy không thoải mái khi ngồi trong xe, đồng thời, vô lăng cũng rung lắc dữ dội thì nguyên nhân 90% đến từ cao su chân máy bị hỏng hoặc trục trặc.
"Thông thường, tuổi thọ của bộ phận cao su chân máy rất cao, thường trên 200.000km mới hay xảy ra vấn đề. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố như thời tiết, cường độ hoạt động mà cao su chân máy có thể bị hư hỏng, mài mòn hoặc lão hóa sớm hơn", anh Trung nói thêm.
Vị chủ gara này cho rằng khi xe xảy ra hiện tượng rung giật ở cả trong tình trạng nổ máy đứng yên hay đang di chuyển thì chủ xe không nên chủ quan mà cần sớm đưa xe đến các trung tâm sửa chữa để khắc phục.
"Cấu tạo mỗi loại động cơ của từng hãng khác nhau nên cao su chân máy vì thế cũng sẽ có kiểu thiết kế riêng, người dùng không thể sử dụng cao su chân máy của động cơ Hyundai lắp cho xe Mazda hay Honda. Chính vì vậy, nếu phải thay cao su chân máy, người dùng buộc phải sử dụng đúng loại với hãng xe của mình", anh Trung lưu ý.
Giá của bộ cao su chân máy chính hãng thường có tuổi thọ cao nên giá bán cũng cao hơn hàng bên thứ 3, thường dao động từ 3-10 triệu đồng, trong khi hàng ngoài sẽ chỉ khoảng hơn 1,6 triệu đồng.
Cách nhận biết các vấn đề thông qua những rung giật bất thường
Tuy nhiên, theo anh Trung, không phải hiện tượng ô tô rung giật nào cũng liên quan đến cao su chân máy. Nếu người lái chỉ nhận thấy đầu xe rung với mức độ rung theo nhịp, ồn hơn bình thường và nghe thấy tiếng búa gõ khi khởi động xe hoặc tăng tốc thì nguyên nhân có thể do hệ thống đánh lửa đang gặp vấn đề (bugi hoặc bô-bin bị hỏng hoặc gặp trục trặc).
Khi hệ thống đánh lửa bị hỏng, một trong các xi lanh của động cơ không thể hoạt động một cách bình thường hay còn gọi là hiện tượng bỏ máy. Xe ô tô bị bỏ máy, tuy gây ra những rung giật nhưng không gây hại cho động cơ của xe ngay lập tức. Dù vậy, nếu để tình trạng này kéo dài, việc động cơ không hoạt động đủ xi lanh lâu dần sẽ làm hao mòn động cơ.
Động cơ ô tô, hay cụm máy luôn là bộ phận quan trọng nhất của chiếc xe. Do đó, khi gặp phải bất kỳ hiện tượng rung giật nào thì người dùng cần sớm đưa đến các gara kiểm tra. Điều này sẽ tránh cho xe của bạn gặp phải những hỏng hóc nặng hơn trong tương lai.
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!