Không cần tìm kiếm đâu xa, bạn có thể tận mắt quan sát các bằng chứng tiến hóa thông qua quá trình chọn lọc tự nhiên trên chính cơ thể của mình.
Trên cơ thể của tất cả chúng ta đều tồn tại một số bộ phận dường như vô dụng, chẳng hạn như xương cụt, một dây chằng tí hon lạ thường ở bên trong cổ tay, ... Song, trong thực tế, chúng là bằng chứng về sự tiến hóa của con người từ động vật, qua quá trình chọn lọc tự nhiên.
Đoạn video dưới đây của Vox đã đề cập tới một vài vết tích còn lại của quá trình tiến hóa đó cũng như những lí giải về nguồn gốc của chúng:
Theo Vox, một trong những bằng chứng tiến hóa còn lại trên cơ thể người là một cơ ở cánh tay có tên gọi là palamaris longus. Cơ này đã biến mất hoàn toàn ở khoảng 10 - 15% người trên thế giới hiện nay. Các chuyên gia cho biết, thiếu cơ này không làm một người yếu đi, vì nó chỉ là dấu vết của việc tổ tiên chúng ta từng dùng các cẳng tay để leo trèo. Ngày nay, những người thiếu cơ này vẫn có thể cầm, nắm chặt như những người đang còn sở hữu nó.
Cấu trúc cơ palamaris longus cũng có thể khác nhau giữa người này với người khác. Nó có thể là dây chằng ở phía trên và cơ ở phía dưới, cơ ở giữa với một dầy chằng ở phía trên và dưới, 2 bó cơ với một dây chằng ở giữa hoặc có thể chỉ gồm một nhóm dây chằng. Và thỉnh thoảng, cơ này được tìm thấy ở gần cổ tay hơn.
Trong một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí BioMed Research International năm 2014, các nhà nghiên cứu phát hiện, cơ palamaris longus dài hơn ở các động vật linh trưởng giống như vượn cáo, vốn sử dụng cánh tay để leo trèo nhiều hơn. Nhưng cơ này ngắn hơn và nhiều khả năng tiêu biến ở người cũng như các loài khỉ hình người - những đối tượng không sử dụng cánh tay cho việc leo trèo thường xuyên.
Tương tự, cơ plantaris ở chân được các động vật sử dụng để nắm chặt và thao túng các vật thể bằng chân. Đó là lí do tại sao một số loài khỉ hình người dường như cũng có khả năng sử dụng đôi chân của chúng như đôi tay. Con người cũng có cơ này, nhưng hiện nó ở tình trạng kém phát triển đến mức, các bác sĩ thường trích lấy nó ra khi cần mô để tái tạo ở các bộ phận khác trong cơ thể.
Một vết tích tiến hóa mà chúng ta thừa hưởng từ tổ tiên là hiện tượng "da sởn gai ốc" hay "nổi da gà". Khi chúng ta lạnh, các cơ kết nối với lông cơ thể co rút và khiến những sợi lông dựng đứng. Điều này vô cùng hữu ích cho các động vật hữu nhũ có lông bao phủ hoặc chim, vì nó tạo ra thêm khoảng không gian cách nhiệt, khiến "khổ chủ" ấm hơn. Chức năng của chúng ở tổ tiên của con người là làm dựng đứng lông cơ thể, khiến tổ tiên chúng ta trông to lớn hơn và xua đuổi được kẻ thù ăn thịt.
Hiện tượng da sởn gai ốc có thể tiết lộ chính xác những gì chúng ta đang cảm nhận. Và năm 2014, các nhà nghiên cứu Hàn Quốc đã tìm ra cách dùng một cảm biến dính trên da để đo các thay đổi cực nhỏ của "gai ốc" trên da. Theo họ, những thay đổi này có thể phản ánh tâm trạng của người và có thể được dùng để xác định mọi thứ, từ thưởng thức âm nhạc, quảng cáo trực tuyến đến cả trải nghiệm nhiệt độ trong phòng.
Xương cụt là phần cuối cùng của cột sống ở người cũng như khỉ hình người và các loài động vật hữu nhũ khác như ngựa. Đây là những gì còn lại từ đuôi của tổ tiên chúng ta. Theo thời gian, con người không còn nhu cầu về đuôi, nhưng chúng ta không mất nhu cầu về xương cụt. Phần xương này đóng vai trò như một cấu trúc hỗ trợ cho nhiều cơ và hỗ trợ chủ nhân khi họ ngồi xuống, ngồi dựa ra sau.
Các bào thai của người có một mẩu đuôi tí hon lúc khoảng 4 tuần tuổi, nhưng các các tế bào ở đuôi đã được lập trình để ngưng phát triển. Lúc 4 tuần tuổi, bào thai người giống bào thai của các động vật hữu nhũ khác ở cùng giai đoạn. Đối với nhiều động vật khác, đuôi tiếp tục phát triển, nhưng với người và các loại khỉ hình người, các tế bào đuôi chết đi.
Lúc khoảng 6 - 12 tuần tuổi, các tế bào bạch cầu phân hủy đuôi và thai nhi phát triển thành một đứa trẻ bình thường không đuôi hầu hết thời gian trong bụng mẹ. Một số đứa trẻ sinh ra với một chiếc "đuôi mềm", không chứa xương và chỉ có các mạch máu, cơ cũng như dây thần kinh, nhưng hiện tượng này rất hiếm gặp.
Tai là một bộ phận cơ thể khác cũng cho thấy lịch sử tiến hóa của chúng ta. 3 cơ dính liền với tai ngoài không khiến con người thực hiện được nhiều cử động. Tuy nhiên, ở các loài động vật hữu nhũ khác, các cơ này lại giúp tai của chúng cử động vòng quanh để xem âm thanh bắt nguồn từ đâu.
Tuấn Anh (Theo IFL Science, Daily Mail)
XEM THÊM CÁC TIN CÔNG NGHỆ MỚI NHẤT: