Hầu hết chúng ta đã được nghe thông tin về các mẫu xe ôtô tự lái, đang được một số công ty lớn trên thế giới như Google hay Honda phát triển và thử nghiệm. Tuy nhiên, công nghệ tự lái có thể đang được ứng dụng rộng hơn thế, với việc thử nghiệm mẫu trực thăng thương mại tự lái đầu tiên của Mỹ.

Một chiếc trực thăng thương mại đã cất cánh và bay tự động thành công quãng đường dài 48km ở bang Connecticut, Mỹ, trước khi hạ cánh xuống mặt đất an toàn. Công nghệ này do Cơ quan quản lý các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) của Mỹ phát triển cho chương trình buồng lái máy bay tự động ALIAS của họ.

Trực thăng được sử dụng là mẫu Sikorsky S-76. Chuyến bay được một chuyên gia điều khiển lên kế hoạch, giám sát và thực hiện chỉ nhờ sử dụng một máy tính bảng.

Trang Gizmag dẫn lời Mark Miller, Phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật và công nghệ của hãng sản xuất máy bay Sikorsky cho biết: "Với những tiến bộ mà chúng tôi đã đạt được, khả năng xúc tiến chuyến bay có sự điều khiển hạn chế, tùy ý đã hiện hữu. Điều này không chỉ có khả năng làm giảm số thành viên trong phi hành đoàn, mà còn có thể làm thay đổi dạng thức cũng như thời gian đào tạo cần có cho việc điều khiển máy bay an toàn".

Theo tiết lộ, trực thăng lái tự động được trang bị một gói đường link dữ liệu và cảm biến đa phổ. Không giống các trực thăng khác được thiết kế để không sử dụng phi công, công nghệ ALIAS hoạt động bằng cách liên kết với phi hành đoàn để giảm tải cho phi công và cải thiện khả năng thực hiện các sứ mệnh, trong khi vẫn tăng cường sự an toàn và và độ tin cậy của máy bay.

Chuyến bay thành công nói trên đánh dấu việc hoàn tất giai đoạn 1, trị giá 8 triệu USD trong chương trình ALIAS của DARPA. Mục tiêu của giai đoạn này là nhằm tạo ra và triển khai mức độ tự động hóa lớn hơn trong các máy bay thương mại và quân sự hiện có, để giảm hoặc thậm chí loại bỏ hoàn toàn sự có mặt của con người trong buồng lái.

Hiện tại, sau khi giai đoạn 1 hoàn tất, chương trình sẽ bước vào giai đoạn 2 với số tiền đầu tư là 9,8 triệu USD. Giai đoạn này sẽ bao gồm nhiều chuyến bay thử nghiệm nữa, cải thiện và ứng dụng công nghệ ở nhiều loại máy bay hơn nhằm cho thấy khả năng thích ứng và tính di động cao của hệ thống ALIAS.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)