Dự kiến bỏ quy định áp trần tỷ lệ góp vốn ngoại đối với trung gian thanh toán. Ảnh minh họa: Internet |
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, sau một thời gian lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP (đã sửa đổi, bổ sung), Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu, tiếp thu, sửa đổi một số nội dung cho phù hợp hơn, để đạt mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực ngân hàng, nhằm mang lại những lợi ích cho người dân sử dụng dịch vụ tài chính cũng như phát triển hạ tầng thanh toán của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng.
Dự thảo Nghị định dự kiến đưa ra tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là 49% chỉ áp dụng cho các hoạt động trung gian thanh toán (không phải tất cả các công ty Fintech -Ngân hàng Nhà nước) để đăng tải công khai và xin ý kiến của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Ngân hàng nhà nước cho biết: Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình, Ngân hàng Nhà nước cũng nhận được các ý kiến khác xung quanh việc quy định giới hạn tỷ lệ vốn góp, do dịch vụ trung gian thanh toán là loại hình dịch vụ mới dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu của công nghệ nên đầu tư nước ngoài đóng vai trò khá quan trọng. Nếu hạn chế có thể ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán nói riêng, Fintech nói chung. Ngoài ra, thực tế hiện nay có một số tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán lớn đã được cấp phép và có tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vượt mức 49% nên cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp này.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá các tác động của chính sách này mang lại trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cho biết dự kiến sẽ trình Chính phủ không đưa tỷ lệ giới hạn (49%) vào Dự thảo Nghị định sẽ được trình Chỉnh phủ vào tháng 6 tới.
Đây được xem là tin vui đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán. Được "cởi trói" khỏi quy định áp trần vốn ngoại, các công ty Fintech của Việt Nam có thể dễ dàng hơn trong việc gọi vốn từ các ông lớn.
Cách đây chưa lâu, tại sự kiện Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (cuối kỳ 2019), hầu hết các chuyên gia đều cho rằng việc áp trần vốn ngoại sẽ là một lực cản để các công ty Fintech có cơ hội gọi vốn và phát triển.
Chủ tịch Amcham, bà Amanda Rasmussen từng cho biết: Việc đặt ra giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán nhanh và công nghệ tài chính sẽ hạn chế đáng kể khả năng của các công ty khởi nghiệp về công nghệ tài chính của Việt Nam trong việc kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Từ đó dẫn đến việc giới hạn khả năng thu hút nhân tài và làm cho các công ty khởi nghiệp kém cạnh tranh hơn so với các công ty cùng lĩnh vực trong khu vực.
"Dự thảo nghị định hiện có sửa đổi Nghị định 101 đang áp đặt một mức trần về sở hữu vốn nước ngoài có thể đi chệch hướng của sự đổi mới hiện nay và ngăn cản những thay đổi khác sắp đến. Các hạn chế này có thể gây trở ngại lớn cho việc phát triển lĩnh vực này và chúng tôi hy vọng chính phủ sẽ cho phép dịch vụ công nghệ tài chính đóng góp vào nền công nghệ, tính sáng tạo và tài chính toàn diện của Việt Nam", Chủ tịch Amcham cho hay.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, một trong những chính sách mới được đề cập trong Dự thảo Nghị định đó là dự kiến quy định hoạt động đại lý thanh toán. Theo Dự thảo, với mô hình giao đại lý, ngân hàng được giao cho bên đại lý cung ứng một phần các dịch vụ thanh toán như nộp/rút tiền mặt vào/ra tài khoản, thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ,... Chính sách mới này nhằm mục tiêu hỗ trợ phổ cập tài chính sâu rộng hơn tới đông đảo người dân bằng việc tăng cường đưa dịch vụ tài chính tới những người dân vốn trước đây chưa có tài khoản ngân hàng, khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa,.. Bên cạnh đó, quy định này cũng giúp cho ngân hàng có thể tiếp cận khách hàng mà không phải mở rộng mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh.