Không ít thí sinh và phụ huynh cảm thấy bất ngờ lẫn… hoang mang khi những trường vốn được cho là ở nhóm đầu khu vực TP.HCM công bố điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển chỉ ở mức bằng với điểm sàn của Bộ - 15 điểm.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 (Ảnh Đinh Quang Tuấn) |
"Trường có trách nhiệm giải trình khi đặt ngưỡng thấp"
Trước thông tin một số trường được đánh giá cao và có điểm chuẩn hàng năm khá cao cũng đưa ra mức điểm nhận HSXT là 15 điểm như tất cả các trường và khoa thành viên thuộc ĐHQG TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (trừ một số ngành), Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Cần Thơ, … nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển ở mức 15 điểm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT - ông Bùi Văn Ga - khẳng định “Các trường hoàn toàn tự chủ về vấn đề này”.
Khi họp hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng, Bộ GD-ĐT đã khuyến nghị các trường cân nhắc, căn cứ chỉ tiêu, nguồn lực để xác định mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển phù hợp.
Theo ông Ga, Bộ đưa ra khuyến nghị này để các trường đưa ra một mức điểm hợp lý để thí sinh có căn cứ đăng ký xét tuyển, không gây hiểu nhầm.
“Các trường như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân… đã chọn ngưỡng điểm rất tốt dựa trên các số liệu của năm 2015. Nhưng cũng có thể còn một số trường e dè, còn một số ngành trong trường sợ khó tuyển nên chỉ lấy mức điểm sàn của Bộ làm ngưỡng nhận hồ sơ” – ông Ga nhận định.
Theo ông Ga, trong vấn đề này Bộ để các trường hoàn toàn tự chủ, chỉ có quy định các trường không được đưa ra mức dưới điểm sàn của Bộ.
“Ở đây, tự chủ kèm theo trách nhiệm giải trình xã hội. Bộ chỉ quản lý vĩ mô, xác định điểm sàn. Còn việc của các trường là khi đã đưa ra một mức điểm hay quy định mới thì phải giải trình xã hội. Ví dụ vì sao thu học phí cao, vì sao nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển ở mức điểm thấp… Thí sinh có thể hỏi, trường không được thoái thác việc trả lời, đồng thời đưa ra lời khuyên cho thí sinh nếu được hỏi” – ông Ga nhấn mạnh yêu cầu.
Tuy nhiên, đứng ở vị trí vừa là người tuyển sinh, vừa là “người quan sát”, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT lại nhìn nhận rằng “Thay cho định hướng chất lượng: Ấn định một ngưỡng chất lượng tối thiểu cho trường mình - chẳng hạn theo quan điểm tương đối là lấy trong 40% số thì sinh giỏi nhất (điểm trung bình là 20), hoặc theo quan điểm tuyệt đối phải 21 điểm/ 3 môn - và chấp nhận tuyển không đủ chỉ tiêu, thì các trường tên tuổi đã chuyển sang quan điểm số lượng. Đó là họ nhận hồ sơ từ điểm sàn, và tuyển cho đủ chỉ tiêu tính từ trên xuống dưới”.
“Thế là rõ, một dấu ấn mới của giáo dục đại học Việt Nam 2016: Khi trường top nhận kinh phí Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao phó, cũng buông - chạy theo số lượng” – ông Tùng bình luận thêm.
Trường nói gì?
Khi được hỏi, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, đã đưa ra lời giải thích cho việc tại sao một cơ sở đào tạo lớn như ĐHQG TP.HCM lại có mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển bằng với các trường ở nhóm cuối.
Theo ông Nghĩa, việc các trường thành viên thuộc ĐHQG TP.HCM nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển từ mức 15 điểm này nằm trong quy định chung như rất nhiều trường đại học khác.
Ông Nghĩa phân tích, một trong các ưu điểm rất lớn của kỳ thi THPT quốc gia là đã tách kỳ thi và kỳ xét tuyển làm hai giai đoạn riêng biệt. Khi đăng ký xét tuyển thí sinh hoàn toàn biết điểm của mình và cân nhắc trước khi đăng kí xét tuyển vào trường.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 (Ảnh Đinh Quang Tuấn) |
“Cách thi và cách xét tuyển như vậy đã tăng tính chủ động của thí sinh lên rất cao, sau khi đã tham khảo chỉ tiêu, điểm chuẩn ở những năm trước của trường, ngành mà mình muốn đăng ký xét tuyển. Điều này khác hoàn toàn với kì thi 3 chung trước đây”.
Ông Nghĩa khẳng định “Nhận hồ sơ xét tuyển từ 15 điểm cũng không phải là “vơ vét” thí sinh, vì chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đã được công bố cố định trước đó. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển và điểm trúng tuyển là hai chuyện hoàn toàn khác nhau”.
“Việc nhận hồ sơ từ bao nhiêu điểm không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, mà cái chính là điểm trúng tuyển.
“Chất lượng đào tạo của nhà trường được đặt nền tảng trên nhiều yếu tố, tất nhiên trong đó có một phần là điểm trúng tuyển đầu vào, chứ không phải điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Điều chúng tôi quan tâm hiện nay là chất lượng đầu ra. Mà chất lượng đầu ra được quyết định bởi quá trình đào tạo của nhà trường, các giá trị gia tăng mà trường đại học đem đến cho sinh viên trong thời gian sinh viên theo học tại trường” – ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa cũng bày tỏ, điều lo lắng nhất hiện nay là các ngành, trường tốp trên của ĐHQG TP.HCM sẽ bị trúng tuyển ảo. “Số lượng thí sinh có điểm cao (25 điểm) trở lên có khả năng trúng tuyển cả hai trường, nhưng theo quy định chỉ được làm thủ tục nhập học ở một trường. Như vậy, trường còn lại sẽ mất thí sinh, mà lại là thí sinh có điểm cao”.
Còn ông Trần Thế Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng trường đã phân ra 3 nhóm điểm nhận hồ sơ xét tuyển. Trong đó, các ngành Kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, Kinh tế chính trị, Toán tài chính, Thống kê kinh doanh, Hệ thống thông tin kinh doanh, Kinh tế học mỗi ngành có 50 chỉ tiêu nhận hồ sơ xét tuyển từ 15 điểm. Các nhóm, ngành còn lại có điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ 18 điểm.
“So với tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 5.000 thì các ngành nhận hồ sơ ở mức 15 điểm có khoảng 300 chỉ tiêu. Như vậy, số lượng này chưa bằng 10% tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Ngoài ra, so với các đại học lớn tuyển sinh hàng chục nghìn thí sinh cũng nhận hồ sơ từ 15 điểm, không thể cho rằng chúng tôi vơ vét thí sinh” – PGS Trần Thế Hoàng phân bua.
Cũng theo ông Hoàng, nhận hồ sơ xét tuyển từ 15 điểm chứ không phải điểm trúng tuyển của trường là 15 nên không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
“Hơn nữa, điểm trúng tuyển chỉ là một yếu tố nhỏ trong chất lượng đào tạo” – ông Hoàng nói thêm và cho rằng việc nhận hồ sơ từ 15 điểm cũng thể hiện rõ trách nhiệm xã hội của trường.
“Chúng tôi cho rằng đây trách nhiệm xã hội. Đây là những ngành cần cho đất nước, cho nền kinh tế nhưng ít người học. Một đất nước có 80% số dân làm nông nghiệp nhưng ít người học nên nhà trường đào tạo những ngành này và hạ điểm chuẩn, giảm học phí để thu hút sinh viên, đó là trách nhiệm xã hội của nhà trường còn gì” – ông Hoàng khẳng định.
Ngân Anh - Lê Huyền