Ngày 31/7, TAND TP Hà Nội đưa các bị cáo Lê Huy Lân (nguyên TGĐ Công ty CP Coma 18), Lê Xuân Phong (nguyên Phó TGĐ Công ty CP Coma 18) và Lê Văn Khương (nguyên Chủ tịch HĐTV Tổng công ty cơ khí xây dựng) ra xét xử tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo buộc, Công ty CP Coma 18 có trụ sở ở quận Hà Đông, là doanh nghiệp có 51% vốn Nhà nước, do Tổng công ty cơ khí xây dựng (COMA) là công ty mẹ, nắm giữ phần góp vốn chi phối của Nhà nước. Công ty Công ty CP Coma 18 do ông Lê Huy Lân làm tổng giám đốc, đại diện theo pháp luật và đại diện phần vốn Nhà nước.
Ngày 8/2/2010, Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) ký hợp đồng kinh tế về việc chuyển giao hạ tầng lô đất 184,09 ha cho Công ty CP Coma 18 để thực hiện dự án VP6 Linh Đàm. Hợp đồng nêu rõ, không được chuyển giao lô đất, chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất cho bên thứ ba nào khác trong thời gian thực hiện hợp đồng.
Tuy nhiên, ngày 25/5/2013, Công ty CP Coma 18 đã chuyển nhượng dự án VP6 Linh Đàm (khi chưa đủ điều kiện chuyển nhượng) cho doanh nghiệp tư nhân Điện Biên do ông Lê Thanh Thản là chủ doanh nghiệp. Việc chuyển nhượng dưới hình thức ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, nhưng thực chất là mua bán dự án. Công ty CP Coma 18 có giấy ủy quyền cho doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản thực hiện dự án VP6 Linh Đàm.
Cáo buộc cho rằng, hậu quả từ việc cố ý chuyển nhượng dự án trên khi chưa đủ điều kiện chuyển nhượng đã gây thiệt hại cho Nhà nước do không thu được tiền sử dụng đất diện tích 2.637,4m2, tương đương giá trị quyền sử dụng đất lô đất VP6 Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) tại thời điểm tháng 7/2013 là hơn 64 tỷ đồng.
Trong vụ án này, ông Nguyễn Xuân Phong là người được giao phụ trách dự án VP6 Linh Đàm. Bị cáo biết dự án không được chuyển nhượng khi chưa được UBND TP Hà Nội chấp thuận nhưng đã giúp sức cho ông Lê Huy Lân thực hiện việc chuyển nhượng dự án trên cho doanh nghiệp của ông Thản, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 64 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Khương được giao chỉ đạo, quản lý giám sát các lĩnh vực chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh của tổng công ty, trong đó có dự án VP6 Linh Đàm do Công ty Coma 18 làm chủ đầu tư nhưng đã thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành.
Ông Khương còn ký 2 nghị quyết (chấp thuận chuyển nhượng dự án; chấp thuận chuyển nhượng hoặc hợp tác kinh doanh) cho Công ty Coma 18 để chuyển nhượng dự án VP6 Linh Đàm cho doanh nghiệp tư nhân Điện Biên khi chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 64 tỷ đồng.
Phiên tòa hôm nay đã phải tạm hoãn do 1 bị cáo xin hoãn vì bị ốm.
Tại CQĐT, ông Lê Huy Lân khai, biết dự án VP6 Linh Đàm không được phép chuyển nhượng. Do gặp khó khăn về tài chính, nhưng phía Công ty Coma 18 không báo cáo UBND TP Hà Nội về việc không có khả năng thực hiện mà lại chuyển nhượng dự án cho doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản bằng hình thức ký hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Sau đó, Công ty CP Coma 18 đã xuất hóa đơn GTGT bán hàng cho doanh nghiệp tư nhân Điện Biên khởi công xây dựng dự án sai quy hoạch được phê duyệt (xây tăng từ 35 tầng lên 37 tầng). Bị can khai không biết gì về việc xây dựng dự án sai quy hoạch.
Còn ông Lê Thanh Thản khai, ông không thỏa thuận với ông Lân về việc Công ty Coma 18 nhận dự án VP6 Linh Đàm để chuyển nhượng lại cho doanh nghiệp của mình. Bản thân ông Thản không thúc đẩy, tác động để Công ty Coma 18 chuyển giao dự án cho doanh nghiệp tư nhân Điện Biên. Việc ký hợp tác kinh doanh là do ông Lân chủ động liên hệ đến làm việc để ký hợp đồng.
Do vậy, VKS khẳng định, không có cơ sở xác định vai trò đồng phạm của ông Lê Thanh Thản với ông Lê Huy Lân. CQĐT đã tách rút tài liệu để tiếp tục làm rõ.