Xã vùng cao Tân Long, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên có gần 250 hộ đồng bào dân tộc Mông, sinh sống chủ yếu ở 2 xóm Mỏ Ba và Lân Quan. 

Tân Long từng được biết đến là một trong những xã khó khăn nhất nhì của huyện Đồng Hỷ khi nơi đây có địa bàn rộng, đồi núi hoang vu, dân cư thưa thớt… , cơ sở hạ tầng còn chưa hoàn thiện. Nhưng nay, đời sống của bà con đang từng bước thay đổi nhờ sự quan tâm đầu tư theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực vươn lên của chính người dân nơi đây.

Tuyến đường từ trụ sở UBND xã Tân Long lên xóm Mỏ Ba dài hơn 10km. Thay vì phải mất vài tiếng đồng hồ như trước, nay chúng tôi chỉ đi xe máy khoảng 30 phút là đến nơi, bởi đường đã được đổ bê tông đến trung tâm xóm. Ông Phạm Tuấn Tú, Bí thư Chi bộ xóm cho biết: Trước kia, con đường đất lên Mỏ Ba có nhiều đá tai mèo sắc nhọn. Khi trời mưa to, đường lầy lội, trơn trượt, xóm người Mông này dường như bị cô lập, xe ô tô gầm cao cũng không thể lên được, đi bộ thì mất gần nửa ngày trời, còn nếu lên bằng xe máy cần phải quen đường và vững tay lái lắm mới đi được. Bây giờ, đường đã được Nhà nước đầu tư đổ bê tông, đó là điều trước đây có trong mơ bà con cũng chưa từng nghĩ tới...

Xóm Mỏ Ba có 148 hộ với trên 800 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm khoảng 80%. Theo lời kể của những người cao tuổi trong xóm, Mỏ Ba trước kia vốn là vùng đất hoang vu, khoảng cuối những năm 1970, các hộ người Mông và một vài dân tộc khác từ các tỉnh lân cận đã đến đây khai hoang, lập nên xóm này. Cuộc sống của bà con vẫn còn rất khó khăn, nhiều nhà bị đói ăn, trẻ em không được đi học đầy đủ…

Ảnh minh họa

Vài năm trở lại đây, nhờ được hưởng lợi từ các dự án, chương trình đầu tư cho đồng bào dân tộc Mông, dân tộc thiểu số mà cuộc sống của bà con đã vơi bớt nhọc nhằn. Hiện tại, xóm đã có điểm trường tiểu học, mầm non được đầu tư xây dựng khang trang, phục vụ nhu cầu học tập của các cháu. Vào mùa giáp hạt, xóm không còn hộ đói vì đồng bào giờ đã biết trồng ngô 2 vụ thay vì trồng 1 vụ như trước kia với những giống ngô lai năng suất, chất lượng cao. Ngoài ra, bà con còn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn trồng thêm nhiều loại cây có giá trị kinh tế như cây chè, cây dong giềng, cây bưởi Diễn…

Chị Lý Thị Hoa, một người dân trong xóm cho biết: Trước kia nhà mình chỉ trồng ngô thôi, vất vả lắm mà cũng có lúc thiếu ăn. Mấy năm nay được tham gia lớp tập huấn về cây chè nên mình mạnh dạn trồng thử. Cây chè hợp đất nên tốt lắm, mỗi cân chè khô được từ 120 nghìn đến  170 nghìn đồng. Có thêm nguồn thu nhập, nhà mình không lo thiếu ăn nữa mà còn sắm sửa được thêm nhiều đồ dùng tốt để sinh hoạt.

Tham quan các điểm trường ở đây, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự đổi thay của xóm Mỏ Ba. Nếu như trước kia, lớp học ở đây chỉ là những mảnh gỗ ghép lại, khó khăn thiếu thốn đủ bề thì nay các phòng học đều được xây dựng khang trang, cô và trò được trang bị đầy đủ dụng cụ giảng dạy, học tập thiết yếu.

Sự học ở đây giờ đỡ vất vả hơn trước nhiều. Nhất là từ khi có đường bê tông lên xóm, giáo viên không còn lo bị trễ giờ lên lớp bởi những hôm gặp mưa lũ. Còn các em học sinh không còn phải dò từng bước đi để vượt dốc đường xa đến trường. Cuộc sống của người dân sung túc hơn nên việc học hành của trẻ em nơi đây cũng được quan tâm, đa số trẻ đến tuổi đi học đều được bố mẹ đưa đến lớp đầy đủ, giáo viên ít phải đến nhà vận động đi học như trước.

Đường vào bản Lân Quan đã được bê tông hóa. Có đường đi, đồng bào không còn bị “đứt liên lạc” với những vùng lân cận, dễ dàng tiếp cận với những ứng dụng khoa học kỹ thuật để từ đó thay đổi tư duy làm ăn. 

Để tiếp tục chặng đường xây dựng NTM, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền cùng nhân dân trong xã tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, không ngừng nỗ lực, quyết tâm duy trì, củng cố, giữ vững các tiêu chí nông thôn mới đã đạt chuẩn, đưa xã ngày càng khang trang, sung túc.

Nguyễn Thảo, Ngọc Quý, Thanh Hùng