Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo sinh ra ở Hà Nội, được chứng kiến nhiều sự đổi thay qua từng nếp nhà, con phố Hà Nội và ông là người nghiêm khắc, cẩn trọng trong mỗi tác phẩm đậm chất tư liệu về Hà Nội.
Chia sẻ với VietNamNet, ông Nguyễn Hữu Bảo cho rằng không riêng cầu Thê Húc, trước kia cũng có vài vụ sơn một số nhà cổ và biệt thự, công trình thời Pháp thuộc gốc màu vàng thư sang màu vàng chanh.
Ông Bảo đặt dấu hỏi khi đình Trấn Ba (đình Chặn sóng) tự nhiên trải thảm đỏ lên sàn - vốn lát gạch Bát Tràng truyền thống. Giữa sàn đặt một cái ghế được bọc cái áo ghim theo hình ghế bằng nilon màu vàng. "Cho thế là sang chăng? Chẳng biết gặp ai để góp ý rằng Hà Nội hình như thích bày đồ hàng mã nơi công cộng, thậm chí linh thiêng nhân danh phát triển, thu hút du lịch", ông Bảo nói.
Chia sẻ với PV VietNamNet về phản ứng của nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo, Trưởng Ban quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn cho biết không có chuyện sơn lại cầu Thê Húc màu cam. "Chụp vào trời Hà Nội mưa như thế có thể màu sơn thay đổi. Còn việc chiếc ghế bọc vải màu vàng, không phải chúng tôi mang ra trưng bày mà bọc như vậy. Ghế đó dùng để biểu diễn chương trình Ngọc Sơn huyền bí - chương trình trải nghiệm đặc biệt kết hợp giữa sân khấu thực cảnh, mỹ thuật sắp đặt và các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và công nghệ 3D mapping", ông Văn giải thích.
Bà Phạm Thị Lan Anh - Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho hay trong vòng 1 năm trở lại đây, đền Ngọc Sơn không tu sửa gì, cầu Thê Húc cũng không sơn lại. "Đây là di tích quốc gia đặc biệt, không có chuyện thích sơn lúc nào cũng được, phải có kế hoạch cụ thể", bà Lan Anh nhấn mạnh.
Cầu Thê Húc là một trong những công trình biểu tượng của thủ đô Hà Nội. Cây cầu này được xây dựng năm 1865, dưới thời trị vì của vua Tự Đức, triều Nguyễn.
Người đầu tiên có công xây dựng cầu Thê Húc là danh nhân Nguyễn Văn Siêu (1799-1872). Ông là một trong những nhà thơ, danh nhân nổi tiếng nhất triều Nguyễn. Sau khi cây cầu được xây dựng, Nguyễn Văn Siêu đặt tên là Thê Húc với ý nghĩa: "Nơi lưu lại ánh sáng" hay "Ngưng tụ hào quang".
Cầu Thê Húc được danh nhân Nguyễn Văn Siêu cho xây dựng để nối bờ với đền Ngọc Sơn nằm trên hồ Hoàn Kiếm. Đền Ngọc Sơn hiện là một trong những Di tích quốc gia đặc biệt.
Cầu Thê Húc ban đầu gồm 15 nhịp, 32 chân cột gỗ tròn xếp thành 16 đôi, mặt cầu lát ván, thành sơn màu đỏ sẫm, chữ Thê Húc được thếp vàng. Do hư hỏng nặng, năm 1952, cầu cũ bị phá bỏ, cầu mới được xây dựng với thiết kế như cầu cũ nhưng độ cong lớn hơn. 16 hàng cọc được giữ nguyên. Các dầm ngang và dọc đúc bằng bê tông, mặt cầu và thành cầu vẫn là gỗ.
Cầu Thê Húc hướng về phía đông, phía mặt trời mọc. Cầu được sơn màu đỏ, tượng trưng cho màu của mặt trời, màu của sự sống, may mắn và hạnh phúc, theo quan niệm của người Á Đông.