"Lúc ông Paul Doumer đến xứ này thì Hà Nội rất sơ khai và khu phố Tây chẳng có gì đáng kể. Bắt đầu từ những bề bộn, những con phố dọc ngang lộn xộn, những khu đầm lầy mênh mông của Hà Nội, Paul Doumer xây dựng nên một thành phố là trạm dừng chân đẹp, để người Pháp có thể thực hiện tham vọng tiến xa hơn sang miền Nam Trung Hoa", nhà văn Trương Quý chia sẻ.
Tối 6/4, tại Trung tâm văn hóa Pháp diễn ra buổi tọa đàm xung quanh tác phẩm hồi ký “Xứ Đông Dương” của tác giả Paul Doumer. Cuốn hồi ký của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer “gây sốt” từ trước khi xuất bản bởi nó được độc giả dành 160 triệu đồng đặt mua từ khi còn là bản thảo.
“Xứ Đông Dương” là một cuốn sách đặc biệt bởi tác giả là một người Pháp và là Toàn quyền ở Đông Dương (1897 – 1902). Sau này, ông trở thành Tổng thống Pháp (từ năm 1931 cho đến khi bị ám sát vào ngày 7/5/1932).
Dấu ấn quy hoạch Hà Nội
Paul Doumer không chỉ là một nhà cai trị, ông còn là một học giả, một chính trị gia đầy tham vọng muốn biến Đông Dương trở thành một nước Pháp ở Viễn Đông. 39 tuổi, đến xứ Đông Dương với một viễn kiến và niềm tin về khả năng phát triển của xứ này, Paul Doumer đã qui hoạch Đông Dương trong 6 tháng, xây dựng hệ thống đường sắt Đông Dương, và hoàn thành cầu Long Biên trước khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm. Một người cai trị, một ông quan thực dân, nhưng thể hiện khả năng thấu hiểu người dân bản địa, điểm mạnh, điểm yếu của xứ sở, và cả lòng trắc ẩn trước những mất mát của di sản quá khứ ở xứ này, đã tạo dựng được một thành quả đáng kể với xứ Đông Dương, dấu ấn qui hoạch kiến trúc Hà Nội, chỉ trong nhiệm kỳ 5 năm.
Paul Doumer là người cho xây dựng cầu Long Biên |
Tại buổi tọa đàm, nhà văn Nguyễn Trương Quý chia sẻ rằng mới đầu đọc, anh cảm thấy hơi e ngại vì nghĩ rằng cuốn sách mang hơi hướng chính trị. Tuy nhiên, càng đọc, anh càng đắm chìm vào không gian rất rõ ràng trong cuốn sách. "Paul Doumer là một người có cảm hứng của một nhà kiến thiết khi ông nhìn ra viễn cảnh rất táo bạo ở thời cuộc mà người ta có những hoài bão lớn. Với nhiệm kỳ 5 năm mà làm bao nhiêu việc thì hiếm người nào làm được như thế. Lúc ông Paul Doumer đến xứ này thì Hà Nội rất sơ khai và khu phố Tây chẳng có gì đáng kể. Bắt đầu từ những bề bộn, những con phố dọc ngang lộn xộn, những khu đầm lầy mênh mông của Hà Nội, Paul Doumer xây dựng nên một thành phố là trạm dừng chân đẹp, để người Pháp có thể thực hiện tham vọng tiến xa hơn sang miền Nam Trung Hoa", nhà văn Trương Quý chia sẻ.
Nhận xét về cuốn sách PGS, TS Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, từng là Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cho rằng cuốn sách được viết dưới con mắt của một Toàn quyền nhằm tự khẳng định rằng mình đã hoàn thành trọng trách lớn lao ở Đông Dương tốt hơn bất kỳ ai khác với niềm tự hào phụng sự nước Pháp. Hơn thế nữa con người này có một quyết tâm sắt đá là phải thành công trong việc biến xứ sở này thành tiền đồn của Pháp tại Viễn Đông.
"Ngay từ đầu, tôi đã cho rằng sự hiện diện của nước Cộng hòa Pháp tại Đông Dương không chỉ vì sứ mệnh tổ chức và quản lý thuộc địa, mà nước Pháp còn phải hành động trong khuôn khổ những phương tiện có trong tay để chính sự phát triển của thuộc địa truyền thêm sức mạnh, từ đó tăng cường danh tiếng, quyền lực và hành động của nước Pháp tại Viễn Đông". Như vậy, lẽ đương nhiên nó chứa đựng nhiều sự kiện, nhiều đánh giá mang nặng tính chủ quan, không trùng khớp với lịch sử mà chúng ta từng biết và không phù hợp với cách nhìn của Việt Nam về cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất tại Đông Đương.
Giai đoạn bi thương?
PGS.TS Dương Văn Quảng cũng cho rằng đây là giai đoạn bi thương, bởi đến nay, đa số những nhà chính trị, nhà nghiên cứu đều lên án chủ nghĩa thực dân. Giai đoạn Paul Doumer sang Đông Dương trùng với giai đoạn khai thác thuộc địa lần thứ nhất, trong đó có những điều xuất phát từ lợi ích của nước Pháp. Người phải tạo ra lợi ích đó chính là người dân VN, nên không thiếu những bi kịch của những người thợ mỏ, thợ đồn điền cao su hay những công nhận xây dựng đường sắt bị tai nạn trong giai đoạn này.
“Tuy nhiên, mỗi người có một góc nhìn khác nhau. Có người nhìn giai đoạn này dưới góc độ rất đen. Còn dưới góc nhìn của tác giả thì khác đi” - PGS. TS Dương Văn Quảng nêu ý kiến.
Trả lời cho sự băn khoăn của độc giả về cách nhìn nhận Paul Doumer khi ông hành động hoàn toàn vì lợi ích nước Pháp nhưng công bằng mà nói ông cũng đã làm được nhiều việc cho xứ Đông Dương với nhiều thành tựu về cơ sở hạ tầng, PGS. TS Dương Văn Quảng nói:
“Đánh giá thành tựu của một con người là tuỳ góc nhìn của mỗi người. Còn ông Paul Doumer rõ ràng là thực dân, vì ông ta muốn khai thác thuộc địa để phục vụ cho lợi ích nước Pháp. Nhưng muốn khai thác thuộc địa thì buộc người dân làm việc, và phải nghĩ đến câu chuyện đào tạo đội ngũ quản lý, những nhà chuyên môn. Ông chủ trương hạn chế đưa những người Pháp sang đây. Khi đó chúng ta có tầng lớp trí thức mới ra đời trong hoàn cảnh đó”.
Theo nhà văn – dịch giả Nguyễn Xuân Khánh, "Xứ Đông Dương" còn quý hơn cả một cuốn sách tham khảo thông thường. Vì nó là một cuốn sách có thể nói là hiếm hoi của người Pháp viết về thời kỳ xây dựng thuộc địa, thời kỳ kinh tế thuộc địa.
"Vì là một cuốn hồi ký nên cuốn sách khá hấp dẫn. Tôi đã đọc nó, say mê như đọc một cuốn tiểu thuyết. Tác giả, với hành văn đẹp đẽ giàu hình ảnh đã khắc họa khá chân thực và sinh động chân dung của vua Thành Thái, vua Norodom, tổng đốc Trần Bá Lộc… cũng như giúp cho độc giả dễ dàng hình dung bối cảnh Đông Dương ngày ấy, địa hình, khí hậu, sản vật và con người, ông nhận xét.
Cầu Thành Thái, nay là cầu Tràng Tiền tại Huế |
Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT Alpha Books cho rằng lịch sử vẫn là lịch sử, bất kể những đánh giá như thế nào thì những gì Paul Doumer làm được, những công trình ông đã góp phần tạo ra vẫn còn hiện diện hôm nay, sẽ là một phần minh chứng cho lịch sử đó. "Dẫu sao, bất kể cách đánh giá nào, tôi cũng muốn đọc lại câu cuối cùng của cuốn sách mà tác giả viết cho các bạn để chúng ta thêm hiểu về chính chúng ta, để rồi hy vọng và tin vào một tương lai xán lạn mà chúng ta có thể tạo ra.
Chỉ trong vài tháng ngắn ngủi nữa, chúng ta sẽ có thể giới thiệu trước thế giới xứ sở này với ít nhiều sự tự hào. Xứ sở này đã trở nên mạnh mẽ, nhưng không hề nghỉ ngơi mà ngược lại đang hào hứng lao động, đang mạnh mẽ tiến tới một tương lai xán lạn. Những ai, ở mọi nơi, mọi vị trí, đã đóng góp vào kết quả này có quyền tự hào rằng nỗ lực của họ đã không vô ích, và họ đã phụng sự một cách hữu ích cho Tổ quốc", ông Bình chia sẻ.
T.Lê