Ngày 20/2, theo thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, qua công tác nắm tình hình, ngay trong buổi sáng 17/2 (tức mùng 8 Tết), Công an huyện Như Thanh đã phối hợp với Ban quản lý Khu di tích Phủ Na phát hiện 8 người dân ngồi ăn xin ở lối ra, vào khu di tích Phủ Na.

Qua xác minh, cả 8 người này đều không phải người địa phương mà từ nơi khác đến. Trong đó đa số là người trung tuổi và người già (không có trẻ em) hoạt động tự phát, không có bảo kê chăn dắt.

w a2hhhhhhhhhhhhhh 677.jpg
Nhiều người ăn xin ngồi lê lết trước cổng đền Phủ Na (ảnh chụp ngày mùng 8 Tết)

Những người trên ban đầu tranh thủ lúc đông người dân đi lễ chùa đầu năm để bán tăm, bông tai, sau đó thấy việc mua bán không hiệu quả nên đã phát sinh ra việc ngồi ăn xin ở lối ra vào khu di tích Phủ Na khiến nhân dân và du khách ái ngại khi vào đền vãn cảnh đầu xuân.

Trước sự việc trên, Công an huyện Như Thanh đã phối hợp với các lực lượng chức năng và Ban quản lý di tích xã Xuân Du tiến hành sàng lọc, liên hệ, bàn giao những người trên cho gia đình và địa phương quản lý.

Trao đổi với VietNamNet, bà Lê Thị Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh cho biết, trước khi diễn ra các hoạt động lễ hội tại di tích, huyện đã quán triệt các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Đồng thời, yêu cầu ban quản lý di tích xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, thực hiện nghiêm túc các quy định.

z5176608145802 2c9d36ee338c3eaba1ba2381c05ee8e0.jpg
Chính quyền địa phương đưa nhóm người về trụ sở UBND xã, hỗ trợ gạo để họ không ngồi ăn xin trước cổng đền. (Ảnh CTV)
z5176608145581 59bb9eff943dee87257cade38b6c3b48.jpg
Nhiều nhóm ăn xin xuất hiện gây khó khăn trong quá trình quản lý của các cấp chính quyền. (Ảnh: CTV)

Theo bà Hoa, từ ngày đầu lễ hội, hằng ngày, khi có người ăn xin, Ban quản lý di tích đều đón họ vào trung tâm xã, mời gia đình đến cam kết và đón họ về. Đồng thời, đã hỗ trợ cho mỗi người 15kg gạo và 100 nghìn đồng. Tuy nhiên đến ngày hôm sau vẫn có nhiều người quay trở lại và có thêm người ăn xin mới.

Trước tình hình trên, ngoài việc hỗ trợ, tăng cường tuyên truyền, vận động các gia đình cam kết quản lý người trong gia đình, UBND huyện đã có công văn gửi UBND các huyện có công dân đến ăn xin tại đền Phủ Na, phối hợp đón người và quản lý công dân, giúp cho việc tổ chức Lễ hội Phủ Na theo đúng quy định.

“Mặc dù chính quyền địa phương đã có hình thức xử lý cụ thể, nhưng xử lý được nhóm người này thì nhóm người khác lại đến. Họ còn ngụy trang là khách đi chùa nên rất khó khăn trong quá trình quản lý. Chúng tôi đã cử các lực lượng túc trực liên tục, hễ phát hiện có người ăn xin là đưa về trụ sở UBND xã để hỗ trợ. Đến thời điểm hiện tại, ngày nào cũng có 5 - 7 người được chúng tôi đưa về xã và cấp gạo”, bà Hoa cho biết.