Là một trong những xã sớm đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới ngay từ năm 2015, với tiềm lực vốn có, xã Giao Thịnh càng đẩy mạnh hơn nữa phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, xã đặc biệt coi trọng việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí về môi trường.

Trước đây, trên địa bàn xã, lượng rác thải phát sinh hàng ngày rất lớn, trong đó chủ yếu là rác thải hữu cơ từ hoạt động sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp. Xã đã thành lập tổ dịch vụ vệ sinh môi trường, tổ chức tập trung rác thải tại các địa điểm quy định, vận chuyển tới nơi tập kết rác thải của xã để xử lý tập trung. 

Trên địa bàn toàn xã thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt 2 ngày/lần.

Tuy nhiên, một số khu vực dân cư chưa chủ động phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình, còn để chung rác vô cơ và rác hữu cơ dẫn tới làm giảm hiệu suất xử lý rác. Lượng rác thải hữu cơ tập kết tại khu vực phát sinh mùi hôi thối, thu hút nhiều côn trùng, động vật có hại, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân.

Để thực hiện tiêu chí nông thôn mới nâng cao, xã Giao Thịnh đã triển khai thực hiện mô hình "Thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình".

Theo đó, việc thu gom, xử lý rác thải hữu cơ, trên địa bàn toàn xã thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt 2 ngày/lần. Hiện nay, địa phương đã đăng ký mua 1.200 thùng rác thải riêng biệt kết hợp vận động nhân dân sử dụng bể xử lý rác hữu cơ sử dụng chế phẩm sinh học để làm phân bón. Phấn đấu 85% số dân các xóm Thanh Trì, Mộc Đức, Du Hiếu và những xóm còn lại có 50% hộ dân có bể xử lý rác hữu cơ có nắp đậy, đảm bảo vệ sinh môi trường. 

Bên cạnh đó, các cán bộ, hội viên nông dân trong xã được tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức về bảo vệ môi trường, kỹ thuật phân loại rác thải tại nguồn. Nhiều hộ đã được hỗ trợ nắp đậy hố ủ rác thải hữu cơ và gói chế phẩm vi sinh xử lý chất thải hữu cơ EMIC.

Ngoài ra, mô hình được triển khai cũng trang bị cho người dân ở xã Giao Thịnh thêm nhiều kiến thức, kỹ năng về phân loại rác thải và xử lý rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ. Từ đó nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy sản xuất an toàn và cải thiện môi trường sống của người dân trên địa bàn xã. 

Nhờ sự hướng dẫn tuyên truyền, một hộ dân ở thôn Bỉnh Di Tây, xã Giao Thịnh đã cải thiện được cảnh quan môi trường, tránh ô nhiễm.

Từ khi được tập huấn, hướng dẫn và hỗ trợ vật tư để ủ rác thải hữu cơ thành phân bón, các hộ dân đã có thói quen phân loại rác thải sinh hoạt, thực hiện đúng theo kỹ thuật ủ rác hữu cơ. Qua đó tạo ra nguồn phân bón hữu cơ tơi xốp dùng để bón cho cây cảnh, các loại rau trong vườn nhà, giúp tiết kiệm được tiền mua phân bón. Cũng nhờ phân loại, xử lý rác thải tại nguồn mà lượng rác phải chở đi xử lý giảm đáng kể.

Đến nay, theo đánh giá, mô hình đã đạt được hiệu quả tốt. Các hộ dân đã chủ động phân loại rác, tập kết các loại rác đúng nơi quy định, nắm vững quy trình kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình bằng phương pháp đào hố ủ có nắp đậy. 98% lượng rác thải sinh hoạt đã được phân loại, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.

Diện mạo khang trang ở xã Giao Thịnh, huyện Giao Thuỷ.

Trong thời gian tới, xã Giao Thịnh sẽ tiếp tục tuyên truyền về hiệu quả của mô hình, vận động người dân chủ động đầu tư kinh phí để thực hiện. Đồng thời tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các hộ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường, làm cho diện mạo nông thôn mới ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Văn Quý, và nhóm PV, BTV