Tại một hội thảo mới đây của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, đại diện Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết: Hiện nay, hầu hết các cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn và vừa trên địa bàn đều đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas, hố ủ phân. Tỷ lệ cơ sở chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải bằng biogas và các hình thức xử lý tiên tiến khác đạt khoảng 75%. Có khoảng trên 70% khối lượng chất thải rắn (phân, nước tiểu, chất độn chuồng) trong chăn nuôi gia súc, gia cầm được thu gom, ủ vi sinh nhằm tái tạo làm phân bón sử dụng bón cho cây trồng và khoảng 80% lượng nước thải từ chăn nuôi gia súc được thu gom vào hệ thống hầm biogas để xử lý tạo khí đốt, một phần được thải vào các bể sinh học để nuôi cá và tưới cho cây trồng, nhất là đồng cỏ để phục vụ phát triển chăn nuôi đại gia súc; trên 95% chất thải từ chăn nuôi tằm được thu gom, xử lý và tái sử dụng cho cây trồng.
Trên thực tế, các cơ sở chăn nuôi lợn quy mô lớn thực hiện mô hình khép kín, xử lý bằng hầm biogas kết hợp hồ bèo sinh học và nuôi cá đem lại hiệu quả về mặt môi trường và kinh tế. Nước thải từ hoạt động chăn nuôi được xử lý qua hầm biogas, sau đó chảy qua các hồ bèo sinh học để tiếp tục xử lý và định kỳ nước thải được đưa vào các hồ thả cá giống; lượng chất hữu cơ sau các hồ bèo sinh học vẫn còn khá cao là nguồn thức ăn dồi dào cho cá, đồng thời cũng làm giảm các chất hữu cơ trong nước thải góp phần nâng cao hiệu suất xử lý nước thải chăn nuôi; khí từ các hầm biogas sẽ tạo năng lượng tái sinh, tạo nguồn chất đốt phục vụ sinh hoạt, hạn chế ô nhiễm môi trường, góp phần giảm phát thải, giảm hiệu ứng nhà kính.
Đại diện Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết: Phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi được thu gom và cho vào hố ủ có bổ sung thêm chế phẩm sinh học hoặc sử dụng máy ép tách phân, sau đó đem ra bón cho cây trồng để tăng chất dinh dưởng cho cây, cải tạo đất bạc màu, đất thiếu dinh dưỡng, trả lại độ phì cho đất, canh tác rau hữu cơ và rau an toàn. Nhờ đó, lượng chất thải nông nghiệp được tái sử dụng làm phân bón ổn định, vừa tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để đáp ứng yêu cầu sản xuất, tạo sản phẩm ngày càng sạch hơn.
Tại địa bàn, mô hình phát triển trang trại bò sữa thân thiện với môi trường, thực hiện quy trình chăn nuôi khép kín từ làm đất, trồng cỏ, chăm sóc bò đến xử lý chất thải để tạo vòng tuần hoàn xanh. Mô hình chăn nuôi lợn bằng đệm sinh học nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường, tiết kiệm sức lao động.
Tỉnh cũng đang khuyến khích phát triển các mô hình phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái trong trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng sản phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi và sử dụng hiệu quả các phụ phẩm chăn nuôi, cung cấp hữu cơ cho trồng trọt; khuyến khích các trang trại chăn nuôi áp dụng quy trình chăn nuôi trên đệm lót sinh học, sử dụng các chế phẩm sinh học bổ sung trong thức ăn chăn nuôi và ủ phân nhằm giảm ô nhiễm môi trường; áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng hệ thống bể lọc, bể lắng, hầm biogas, hồ sinh học trước khi xả vào môi trường, ủ phân hoặc sử dụng máy ép phân trước khi đưa chất thải rắn ra môi trường. Áp dụng các kỹ thuật mới sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ chất thải chăn nuôi, sử dụng khí đốt từ hầm biogas để khép kín tuần hoàn sản xuất, giảm dần chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư gắn với kiểm soát chặt chẽ môi trường chăn nuôi.