Cùng với sự gia tăng dân số và tăng trưởng kinh tế, lượng chất thải sinh hoạt cũng tăng một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, hệ thống quản lý và xử lý chất thải vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức, đòi hỏi cần có những biện pháp kịp thời, công nghệ xử lý phù hợp để bảo vệ môi trường, bảo vệ cộng đồng.

Phát biểu tại diễn đàn về xử lý chất thải rắn sinh hoạt được tổ chức mới đây, ThS. Đinh Nam Vinh, Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, do sự tăng trưởng dân số và phát triển của các hoạt động sản xuất, tiêu dùng, lượng rác thải ngày càng tăng, gây áp lực lớn cho hệ thống quản lý và xử lý rác thải hiện tại. Bên cạnh đó, hạ tầng thu gom và xử lý rác thải tại Việt Nam vẫn còn hạn chế; việc xử lý và quản lý rác thải chưa triệt để gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng; quản lý và giám sát rác thải vẫn còn hạn chế tại một số địa phương; việc thực hiện phân loại rác thải chưa đi vào ý thức người dân…

Theo ThS. Đinh Nam Vinh, hiện nay các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam đang áp dụng các công nghệ chôn lấp, công nghệ đốt rác không thu hồi nhiệt, công nghệ phân loại và ủ phân compost, công nghệ chuyển đổi rác thành năng lượng (bao gồm quá trình đốt rác hoặc sinh khối, để tạo ra điện, nhiên liệu sinh học hoặc nhiệt cho các mục đích sử dụng khác) và một số công nghệ khác như tạo viên nén năng lượng RDF, khí hóa, nhiệt hóa khác.

Phương pháp chôn lấp rác vẫn là phương pháp chính để xử lý rác thải sinh hoạt ở nhiều khu vực, tiếp theo là công nghệ đốt không thu hồi nhiệt.

Việt Nam đang dần chuyển dịch sang sử dụng các công nghệ khác như tái chế, phân hủy sinh học, chuyển đổi thành năng lượng và giảm thiểu lượng rác chôn lấp. Các công nghệ này đang được triển khai và mở rộng trong một số thành phố lớn và khu vực tại Việt Nam, nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và giảm tác động tiêu cực lên môi trường từ việc chôn lấp rác. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần được vượt qua để đạt được một hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt hiệu quả và bền vững.

Một số công nghệ đang được áp dụng tại Việt Nam có thể kể đến: Công nghệ chôn lấp rác (landfill) là một phương pháp truyền thống để xử lý rác thải. Tuy nhiên, việc đánh giá xem công nghệ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: Quản lý và thiết kế đúng cách; quản lý mùi hôi và khí thải; quản lý nước ngầm và môi trường; không gian đất và tài nguyên. Mặc dù công nghệ chôn lấp rác có nhược điểm như ô nhiễm môi trường, sử dụng diện tích đất lớn và không tận dụng được tài nguyên, nhưng nó vẫn được sử dụng phổ biến.

Công nghệ đốt rác (incineration) cũng là một trong những công nghệ phổ biến trong xử lý rác thải. Công nghệ điện rác (Waste-to-Energy, WtE) là một phương pháp xử lý chất thải bằng cách chuyển đổi rác thành năng lượng điện hoặc nhiệt. Công nghệ này có một số ưu điểm như chuyển đổi chất thải thành năng lượng; giảm khí thải và ô nhiễm; tiết kiệm không gian…

ThS. Đinh Nam Vinh cho biết: Xu thế hiện nay trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt là tái chế, tái sử dụng và tận dụng năng lượng từ chất thải nhằm tối ưu hóa quá trình tái chế, giảm thiểu sự lãng phí và bảo vệ môi trường. Xu hướng công nghệ phổ biến hiện nay có thể kể đến như tách rác tự động. Các công nghệ như hệ thống phân loại rác tự động sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học để nhận biết và phân loại rác tự động, giúp tăng cường hiệu suất và độ chính xác của quá trình phân loại rác và giảm sự phụ thuộc vào lao động. Tái chế thông minh: Công nghệ ngày càng phát triển để tăng cường quá trình tái chế. Ví dụ, công nghệ như robot hủy rác tự động có thể tách và phân loại các vật liệu tái chế từ rác thải, giúp tăng cường hiệu suất và giảm sự lãng phí.

6 cong nghe xu ly rac.jpg
Xu thế hiện nay trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt là tái chế, tái sử dụng.

Công nghệ xử lý rác thải hữu cơ, bao gồm việc sử dụng hệ thống phân hủy sinh học hoặc vi sinh vật học, ngày càng phát triển. Các quy trình này giúp phân hủy rác thải hữu cơ một cách nhanh chóng và hiệu quả, tạo ra các sản phẩm phân bón hữu cơ hoặc năng lượng tái tạo. Công nghệ tái chế và chuyển đổi rác thải thành năng lượng cũng đang phát triển. Ví dụ, quá trình chuyển đổi chất thải thành năng lượng, bao gồm cháy rác hoặc sinh khối, được sử dụng để tạo ra điện, nhiên liệu sinh học hoặc nhiệt cho các mục đích sử dụng khác.

Huệ Anh

Hồng Hạnh và nhóm PV, BTV