- Khát vọng không ngừng nghỉ để đưa cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo HAGL ra nước ngoài thi đấu của bầu Đức dường như đã thất bại khi Xuân Trường đã chính thức trở về V-League. Nhưng xem ra, đây chẳng thất bại riêng của bầu Đức...
Bầu Đức thất bại...
Không dưới một lần, bầu Đức đã từng khẳng định các cầu thủ trưởng thành từ học viện bóng đá mà mình đầu tư cả chục năm qua đủ sức để chơi bóng trời Âu, Á.
Thế nhưng, đến lúc này khát vọng rất đáng trân trọng đó của bầu Đức dường như đã thất bại hoàn toàn khi Xuân Trường chính thức kết thúc hợp đồng với Gangwon và sắp trở lại với V-League.
Xuân Trường đã không thể tìm được vị trí ở K-League để thất bại của bầu Đức trong khát vọng xuất khẩu cầu thủ thêm dài |
Việc đội bóng của Hàn Quốc, hay nói đúng hơn khi 2 năm ở xứ sở Kim chi Xuân Trường không thể cạnh tranh nổi vị trí để ra sân đã là một câu trả lời phũ phàng cho khát vọng của bầu Đức trong việc “xuất khẩu” cầu thủ.
Bầu Đức tạo được một lứa cầu thủ tốt, có thể đủ sức đá V-League nhưng để chơi bóng ở ngoài biên giới là câu chuyện khác. Ba cầu thủ tốt nhất là Công Phượng, Xuân Trường và Tuấn Anh đều không thành công ở Nhật và Hàn Quốc.
Thậm chí, khi Thai-League ra quy định mới và mở cửa cho các cầu thủ trong khu vực đến thi đấu quân nhà bầu Đức cũng không được ngó ngàng. Thay vào đó là Quang Hải hay Văn Quyết của nhà bầu Hiển... thì thất bại của ông chủ đội bóng phố Núi nặng nề hơn bao giờ hết.
và cái thua của cả nền bóng đá
Bầu Đức đã thất bại với khát vọng đưa cầu thủ xuất khẩu, nhưng rõ ràng “trận thua” này không phải của riêng bầu Đức. Nó chính là thất bại chung của bóng đá Việt Nam.
Có thể Quang Hải hay Văn Quyết được các đội bóng ở Thai-League để ý, và sẵn sàng săn đón rõ ràng không phải là quá nhiều so với một nền bóng đá mà mỗi năm tiêu tốn cả 1000 tỷ đồng như V-League.
Trong khi đó, Thai-League đã xuất khẩu những cầu thủ tốt nhất của mình |
Nhìn sang những quốc gia khác ở trong khu vực, những ngày qua rất nhiều thông tin và các bản hợp đồng mà những đội bóng Thai-League, hay Malaysia... đã chốt để càng thấy V-League đã thất bại như thế nào.
Ví như Aung Thu, Kyaw Ko Ko (Myanmar) cập bến Thai-League, Chan Vanthanaka, Thierry Chantha Bin (Campuchia) chốt hợp đồng với những đội bóng ở Malaysia Super League.
trong khi V-League càng ngày càng kém chất lượng |
Không chỉ đón người, các đội bóng ở Thai-League cũng chấp nhận “mất người” khi hàng loạt cầu thủ xứ chùa vàng đến Nhật Bản thi đấu như Teerasil Dangda, Chaowat Veerachat. ĐIều đó càng khiến bóng đá Việt Nam thêm “tủi thân”.
Nhìn vào những chuyển động của bóng đá khu vực để thấy rằng rốt cuộc thất bại xuất khẩu cầu thủ mà bầu Đức “ôm ấp” nhiều năm qua cũng chẳng phải to tát gì so với nỗi hổ thẹn mà V-League khi nhìn vào Thai-League.
Nhưng rõ ràng, thất bại này cũng là điều không có gì quá ngạc nhiên. Bởi thật ra V-League lúc này đã xuống rất thấp về chất lượng chuyên môn thì chuyện chỉ có đôi ba cái tên được các đội bóng nước ngoài chú ý như Quang Hải hay Văn Quyết âu cũng là bình thường.
Duy Nguyễn