Chia sẻ với báo chí Việt Nam, ông Hakan Kozan, Giám đốc thu mua của Tổng công ty Arcelik (Thổ Nhĩ Kỳ) đánh giá, doanh nghiệp Việt Nam có năng lực trong việc sản xuất sản phẩm công nghệ cao để xuất khẩu. Các doanh nghiệp có thể hợp tác với tập đoàn để sản xuất sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Tập đoàn mong muốn Việt Nam khai thác được cơ hội này để trở thành đối tác kinh doanh, không những cho Tổng công ty Arcelick mà còn là đối tác kinh doanh cho Tập đoàn Koc Holding-   một trong những tập đoàn về dịch vụ, các sản phẩm công nghiệp gia dụng lớn của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Ông Hakan Kozan cho biết, để trở thành đối tác chiến lược và là nhà cung cấp nguyên vật liệu cho Arcelik, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của nhà nhập khẩu.

Ông Koray Derman, Trưởng nhóm mua hàng của Tổng công ty Arcelik cho biết, Arcelik không chỉ quan tâm về giá mà còn đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn môi trường, đi kèm đó là dịch vụ logistics tốt, những vấn đề hậu mãi, năng lực quản trị, năng lực thiết kế của nhà cung ứng…

{keywords}
Sản xuất linh kiện điện tử đòi hỏi các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe (ảnh: Băng Dương)

Hiện, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nền kinh tế lớn, đứng thứ 13 trên thế giới. Nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ phát triển nhanh so với các quốc gia Đông Âu khác. Đây là thị trường có tới trên 83 triệu dân với người tiêu dùng tương đối trẻ. Ngành công nghiệp điện tử xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu hướng đến thị trường châu Âu. Các nhà sản xuất, xuất khẩu ngành công nghiệp điện tử của nước này phải tuân theo những tiêu chuẩn, quy chuẩn của châu Âu và quốc tế.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng có cơ hội hợp tác với đối tác Thổ Nhĩ Kỳ, Cục Xúc tiến thương mai, Bộ Công Thương đánh giá đây là cơ hội hẫn dẫn cho ngành điện tử của Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2021, sản xuất điện thoại di động đạt 54,4 triệu chiếc, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng sản xuất tivi cũng đạt hơn 4,45 triệu chiếc, tăng 30,9%.

Điện thoại và linh kiện điện tử cũng là ngành có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong các ngành xuất khẩu của Việt Nam trong quý I/2021, đạt 14,1 tỷ USD, chiếm 18,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện cũng đạt 12 tỉ USD, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, tỷ trọng xuất khẩu của nhóm hàng này vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các khối ngành, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó, điện thoại và linh kiện chiếm 99,1%; điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 98%.

Chi Bảo