Nhiều lao động ra nước ngoài làm việc vẫn không thể quên được nỗi cơ cực mưu sinh trên xứ người, đặc biệt là một bộ phận lao động bất hợp pháp luôn chịu áp lực với lịch “truy quét” hay nạn cướp giật rình rập.
Cả làng ‘du lịch’ sang Thái, mang USD về xây biệt thự
Xuất ngoại dễ như đi... chợ
Ông Trần Đình Trung - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc - cho biết, hiện toàn xã có gần 1.700 người đi xuất khẩu lao động, trong số trên 90% sang Thái.
Sở dĩ Thái Lan là điểm đến của lao động xã Mỹ Lộc vì đi lại dễ dàng, tìm việc dễ và thu nhập tương đối ổn định. Tuy nhiên, hầu hết người dân đi Thái Lan làm việc đều không thông qua con đường lao động chính thống bởi nước này chưa chính thức tuyển dụng lao động Việt Nam.
“Mỗi lao động chỉ mất khoảng 2 triệu đồng cho ‘cò’ hoặc bạn bè là có thể xuất ngoại, sau một ngày đi bằng đường bộ qua của khẩu Lào - Thái Lan là có thể tìm được việc làm trên đất Thái”, ông Trung cho hay.
Xuất khẩu lao động mang lại sự giàu có cho nhiều ngôi làng ở Hà Tĩnh |
Ông Nguyễn Khánh, Trưởng thôn Nhật Tân, xã Mỹ Lộc, người có 4 năm bôn ba kiếm sống ở xứ chùa Vàng, cho biết, quãng đường bộ từ Việt Nam sang Thái Lan còn gần hơn cả từ Hà Tĩnh vào TP.HCM.
Sau khi xin được visa du lịch, người lao động đi đường bộ sang Lào, qua Campuchia rồi đến Thái Lan chỉ mất một ngày. Mỗi visa du lịch thường có thời hạn trong khoảng 1 tháng, hết visa họ trở về cửa khẩu tại Campuchia xin gia hạn visa sau đó tiếp tục sang đất Thái làm việc.
Ông Nguyễn Trọng Thiểu trú tại thôn Nhật Tân hiện có 3 người con làm việc ở Thái Lan, nhớ lại, năm 2006, con gái đầu của ông theo người làng sang Thái làm việc, thời gian ngắn sau chị về nước đưa thêm em út vừa rời ghế phổ thông sang kiếm sống. Đến nay, các con của ông làm việc bên Thái ngót nghét đã hơn chục năm.
“Con trai út của tôi qua Thái làm việc thì quen một cô gái người cùng làng làm thuê bên đó. Hai đứa tìm hiểu rồi đưa nhau về quê cưới, cưới xong lại dắt nhau sang Thái. Đến khi con dâu mang bầu, nó về nước sinh và nghỉ thời gian ngắn rồi gửi con cho chúng tôi trông, tiếp tục sang Thái. Hiện con nó gần 4 tuổi rồi nhưng mỗi năm vợ chồng nó cũng chỉ về 1-2 lần thôi”, ông Thiểu kể.
Còn để sang được các nước Tây Âu làm việc là cả một chặng đường gian nan đối với lao động bất hợp pháp. Ông Võ Minh Thanh, trú thôn Trung Thiên, xã Thiên Lộc, cho hay, người dân phải tự tìm “cò” tận ngoài Hà Nội để tham gia, ở đây có cả một đường dây đưa người lao động ra nước ngoài.
“Tìm được ‘cò’ sẻ thỏa thuận giá cả, tùy các nước đến mà giá khác nhau. Sau khi thỏa thuận thành công nộp trước một số tiền đặt cọc, đến nước ngoài trót lọt và gọi điện về nước thông báo đã an toàn thì số tiền còn lại sẽ chuyển trả hết cho ‘cò’ môi giới. Người dân đi lao động trước đây nhiều lắm, còn bây giờ ít hơn vì bị phát hiện và trục xuất nhiều”, ông Thanh kể.
Nơm nớp lo sợ bị bắt
Mặc dù xứ người có thể là thiên đường làm thuê kiếm sống, nhưng đối với những lao động bất hợp pháp, họ luôn cảm thấy bất an, lo sợ mỗi ngày trước các cuộc kiểm tra của nhà chức trách sở tại.
Nhiều ngôi nhà chỉ còn người già và lũ trẻ bởi bố mẹ đi xuất khẩu lao động hết. |
Ông Nguyễn Khánh cho biết, lao động Mỹ Lộc sang đến Thái Lan chủ yếu trông giữ xe, phục vụ nhà hàng hoặc phụ hồ kiếm sống. Người Mỹ Lộc ở Thái thường sống tập trung để dễ giúp đỡ nhau, tránh sự rà soát của lực lượng chức năng. Họ cần có sự “bảo trợ” của một số người bản địa, chủ yếu là các ông chủ nơi họ làm việc.
Ngoài ra, nạn cướp bóc, trấn lột cũng là một hiểm họa mà người lao động Việt trên đất Thái luôn phải đối mặt. Là nạn nhân nhưng người Việt chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt” chứ không dám trình báo với chính quyền địa phương, bởi khi đó họ không những không lấy lại được tài sản mà còn bị chính quyền trục xuất.
Mặc dù đối mặt với muôn vàn khó khăn nhưng những người đang làm việc trên đất Thái chấp nhận đối mặt với nguy hiểm vì cuộc sống mưu sinh. Từ năm 2000 đến nay, lao động sang Thái Lan trở thành “bảo bối” của riêng người xã Mỹ Lộc, giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo.
Những năm gần đây, người lao động ở Mỹ Lộc đang có xu hướng dịch chuyển sang Hàn Quốc, Nhật Bản - những thị trường không những đem lại thu nhập cao mà còn giúp người lao động yên tâm làm việc.
“Trước đây, do không có cả trăm triệu đồng để làm thủ tục xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, dân Mỹ Lộc đành sang Thái Lan lao động chui. Khi gom đủ tiền xây nhà cửa và có vốn liếng, họ bắt đầu chuyển hướng sang các nước ký hợp tác xuất khẩu lao động với Việt Nam cho an toàn”, ông Trung cho hay.
Lê Minh