Trung Quốc càng tích lũy được thêm sức mạnh càng cố gắng để đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại bằng những màn hù dọa và bắt nạt láng giềng. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc đối đầu biên giới trên dãy Himalaya giữa nước này với quân đội Ấn Độ tiếp tục diễn ra, cách tiếp cận đó đang ngày càng bộc lộ những hạn chế một cách rõ nét.
Cuộc đối đầu hiện tại được châm ngòi từ giữa tháng 6, khi Bhutan, một đồng minh thân cận của Ấn Độ, phát hiện Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang cố gắng mở rộng một tuyến đường xuyên qua Doklam, một cao nguyên thuộc dãy Himalaya vốn thuộc về Bhutan nhưng bị Trung Quốc yêu sách chủ quyền. Ấn Độ, nước bảo đảm an ninh cho đất nước Bhutan nhỏ bé, đã nhanh chóng đưa quân và trang thiết bị đến đó nhằm ngăn chặn việc xây dựng của Trung Quốc, quả quyết rằng tuyến đường đó – mà từ đây có thể bao quát điểm giao nhau giữa biên giới Tây Tạng, Bhutan, và bang Sikkim của Ấn Độ – đe dọa đến an ninh của chính nước này.
Kể từ đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra những lời cảnh báo gần như với tần suất hàng ngày về phía Ấn Độ, rằng Ấn Độ phải rút lui hoặc phải đối mặt với các đòn đáp trả quân sự. Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn đe dọa sẽ dạy cho Ấn Độ một “bài học cay đắng”, lớn tiếng cho rằng bất kỳ cuộc xung đột nào cũng sẽ gây ra “những tổn thất lớn hơn” Chiến tranh Trung – Ấn năm 1962, thời điểm Trung Quốc - Ấn Độ nổ ra cuộc tranh chấp biên giới trên dãy Himalaya và gây ra thiệt hại to lớn cho Ấn Độ chỉ trong vòng vài tuần. Tương tự, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã phát đi một loạt những lời đả kích với ý đồ hăm dọa để khiến Ấn Độ khuất phục.
Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ mặt giáp mặt tại Doklam. Ảnh: SCMP |
Bất chấp tất cả những lời cảnh báo đó, chính phủ Ấn Độ, do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu, đã giữ cho tình hình không quá căng thẳng, từ chối phản ứng lại bất kỳ đe dọa nào từ phía Trung Quốc, chứ đừng nói đến việc rút quân. Khi Trung Quốc vẫn tiếp tục những hành động đe dọa của mình họ càng bộc lộ rõ ý đồ. Trung Quốc đang cố gắng dùng chiến tranh tâm lý để đạt được các mục tiêu chiến lược – để “không đánh mà thắng” như nhà lý luận quân sự Trung Hoa cổ đại Tôn Tử đã đề xuất.
Trung Quốc đã tiến hành chiến tranh tâm lý rộng khắp nhắm vào Ấn Độ. Các phương tiện truyền thông của Trung Quốc đã hăng hái đưa tin về Ấn Độ trong nhiều tuần. Trung Quốc cũng dùng đến chiêu bài “chiến tranh pháp lý”, trích dẫn một cách có chọn lọc một hiệp định thời thực dân, trong khi bỏ qua việc vi phạm các hiệp định song phương gần đây hơn của chính nước này, điều mà Bhutan và Ấn Độ đã dẫn ra.
Suốt những ngày đầu của vụ đụng độ, các đòn tấn công ồ ạt và chớp nhoáng trong chiến tranh tâm lý của Trung Quốc đã giúp nước này chi phối nội dung câu chuyện được kể lại. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn những tuyên bố và thủ đoạn của Trung Quốc, cách tiếp cận của nước này đã ngày càng giảm hiệu quả. Trên thực tế, việc Trung Quốc cố gắng miêu tả mình như là nạn nhân – tuyên bố rằng quân đội Ấn Độ đã xâm nhập và tiếp tục hiện diện trên lãnh thổ Trung Quốc một cách bất hợp pháp đã gây ra hiệu ứng ngược về sự yếu kém của chính phủ.
Dù sức mạnh quân sự tổng hợp của Trung Quốc đang được củng cố song nước này gần như không thể đánh bại Ấn Độ một cách dứt khoát trong một cuộc chiến Himalaya, nếu xét lớp phòng thủ kiên cố của Ấn Độ dọc biên giới. Trung Quốc cũng khó áp đảo trong ngay cả những xung đột cục bộ tại khu vực giáp ranh ba nước bởi lực lượng vũ trang của Ấn Độ kiểm soát các vùng có địa thế cao hơn và có binh sĩ được bố trí với mật độ dày hơn.
Tuy nhiên, cách tiếp cận mang tính chất đối đầu của nước này có thể đẩy Ấn Độ – “nước bản lề” quan trọng nhất về địa chính trị của châu Á – ngả nhiều hơn về phía Mỹ – đối thủ toàn cầu chính yếu của Trung Quốc. Cách tiếp cận đó cũng có thể phá hoại những lợi ích thương mại của chính Trung Quốc tại một nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đồng thời nằm trên tuyến nhập khẩu dầu huyết mạch của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj cũng đã ngầm cảnh báo sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nếu Trung Quốc, nước đạt thặng dư thương mại gần 60 tỷ đô la Mỹ mỗi năm với Ấn Độ, tiếp tục gây bất ổn ở biên giới. Rộng hơn nữa, trong bối cảnh Trung Quốc tuyên bố rằng việc rút quân vô điều kiện của phía Ấn Độ là “điều kiện tiên quyết” để chấm dứt đụng độ, Ấn Độ, vốn thường xuyên đối mặt với những lần xâm nhập lặp đi lặp lại của Trung Quốc trong suốt nhiều thập niên qua, đã nhất quyết cho rằng hòa bình ở biên giới chính là “điều kiện tiên quyết” cho sự phát triển của quan hệ song phương.
Trung Quốc dường như chưa sẵn sàng để thay đổi cách tiếp cận của mình. Một vài chuyên gia thậm chí còn dự đoán rằng cuộc đụng độ sẽ sớm trở thành một “chiến dịch quân sự quy mô nhỏ” nhằm đánh bật quân đội Ấn Độ ra khỏi phần lãnh thổ mà Trung Quốc đang có yêu sách chủ quyền. Nhưng một cuộc tấn công như vậy dường như không mang lại điều gì tốt đẹp cho Trung Quốc, chứ chưa nói đến việc làm thay đổi nguyên trạng tại khu vực giáp ranh ba nước Trung Quốc-Ấn Độ-Bhutan.
Chắc chắn cuộc tấn công cũng không làm cho Trung Quốc có thể tiếp tục công việc xây dựng tuyến đường như ý muốn. Giấc mộng đó dường như đã bị dập tắt khi Ấn Độ lật tẩy trò hù dọa của Trung Quốc.
Brahma Chellaney
Brahma Chellaney, Giáo sư Nghiên cứu Chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách (đặt tại New Delhi) và Nghiên cứu viên tại Học viện Robert Bosch tại Berlin, là tác giả của 9 cuốn sách, trong đó có Asian Juggernaut, Water: Asia’s New Battleground, and Water, Peace, và War: Confronting the Global Water Crisis.
Tuần Việt Nam lược trích từ chuyên trang Nghiên cứu quốc tế và đặt lại tiêu đề.