Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là cấu thành nền tảng của đa phần hệ thống công nghiệp hiện đại, có vai trò quan trọng giúp chủ động các nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, tạo ra các sản phẩm có đặc thù riêng của quốc gia, có sức cạnh tranh, bảo đảm tính chủ động và tự chủ kinh tế, không bị lệ thuộc nhiều vào nước ngoài và các biến động của nền kinh tế toàn cầu; tạo điều kiện thu hút FDI, giảm nhập siêu, nâng cao năng suất lao động và gia tăng giá trị hàng hóa, góp phần khai thác hiệu quả các nguồn lực trong nước, phát triển hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo nhiều việc làm, tạo nền tảng sáng tạo quốc gia, động lực phát triển nhanh và hiệu quả nền kinh tế nói chung, ngành công nghiệp nói riêng và cách thức hữu hiệu nước đang phát triển có thể vượt thoát bẫy thu nhập trung bình…
Xung lực mới cho tương lai công nghiệp hỗ trợ Việt Nam |
Theo Quyết định 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành CNHT- văn bản pháp lý đầu tiên của ngành CNHT Việt Nam- CNHT là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng. Nước ta hiện có khoảng 1.383 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT (có 180 doanh nghiệp CNHT cung cấp cho tập đoàn Samsung và 140 nhà cung cấp linh kiện phụ tùng cho Honda Việt Nam), chủ yếu là DN vừa và nhỏ, tham gia ở công đoạn yêu cầu công nghệ giản đơn, có giá trị gia tăng thấp và đáp ứng khoảng 20-25% nhu cầu nội địa về CNHT. Cả nước chỉ có khoảng 20% số doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu; 36% doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất định hướng xuất khẩu. Tỷ lệ này là khá thấp so với con số gần 60% ở Malayssia và Thái Lan. Việt Nam hiện mạnh nhất trong khâu may, với tỷ lệ nội địa hóa khoảng trên 60%, còn các khâu sợi, dệt, nhuộm chưa đáp ứng được nhu cầu vì 80% vải nguyên liệu phụ thuộc nhập khẩu. Năm 2016, Việt Nam xuất được trên 28 tỷ USD hàng dệt may thì phải nhập tới 14 tỷ USD nguyên liệu. Các sản phẩm CNHT ngành dệt may mới chỉ tập trung chủ yếu công đoạn giá trị gia tăng thấp như cúc, chỉ dây, khóa keo, băng chun, băng dính…. Các khâu có giá trị gia tăng cao như sợi, hóa chất - chất trợ nhuộm, nhuộm in hoa và hoàn tất vải đều phải nhập khẩu, thiếu chuỗi cung ứng hoàn chỉnh. Ngay ngành xe máy đạt tỷ lệ nội địa hóa bình quân ở các sản phẩm từ 96- 97%, nhưng tôn dập vỏ xe, sắt, thép chất lượng cao để làm trục bánh răng và các chi tiết các DN đều phải nhập khẩu..
Xung lực mới cho tương lai công nghiệp hỗ trợ Việt Nam |
Sự phát triển ngành CNHT bị hạn chế do nhiều bất cập cả trong nhận thức, quy hoạch, chiến lược, chính sách nhà nước và năng lực tài chính, công nghệ và lao động của doanh nghiệp. Với trên 97 % DN là vừa và nhỏ, sự hạn chế về tài chính là một trong các nút thắt của hầu hết DN đang hoạt động trong CNHT (đầu tư một vị trí làm của cho ngành may chỉ cần 3.000 USD, còn cho ngành sợi hoặc dệt thì phải mất 200.000 USD).
Để phát triển CNHT cần có sự phối kết hợp của nhiều bộ, ngành, với các chính sách ưu tiên cần thiết, tập trung phát triển một số lĩnh vực có thế mạnh,
Quyết định 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/02/2011 đã xác định 6 nhóm ngành CNHT được khuyến khích phát triển (gồm, công nghiệp cơ khí - chế tạo, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt may, da giày và phát triển công nghệ cao). Tuy nhiên, các ưu đãi còn dàn trải và làm phân tán nguồn lực. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước không được ưu tiên, ưu đãi như doanh nghiệp FDI, không thể tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI như các cam kết đầu tư.
Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến 2020 của Bộ Công Thương (ban hành ngày 8.10.2014) đã điều chỉnh định hướng tập trung phát triển CNHT thuộc 3 lĩnh vực chủ yếu là chế tạo khuôn mẫu, đúc, đột dập kim loại, xử lý bề mặt (sơn, mạ… ) phục vụ cho quá trình sản xuất phụ tùng linh kiện phụ tùng, CNHT ngành dệt may và CNHT công nghiệp công nghệ cao, với mục tiêu nâng tỷ lệ cung cấp trong nước từ chưa đủ 50% lên tới 65% cho ngành dệt may, từ 40 - 45% lên 75 - 80% cho ngành da giày, và 60% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp trong nước, cũng như có thể tham gia vào thị trường khu vực và quốc tế, nhất là nhóm sản phẩm cơ khí, nhựa - cao su, điện tử...
Đặc biệt, ngày 3 tháng 11 năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ; áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân thực hiện các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam có hiệu lực từ 1.1.2016 và thay thế Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2011 về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ và Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2011 về việc ban hành Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển của Thủ tướng Chính phủ. Với Nghị định này, lần đầu tiên CNHT Việt Nam nhận được xung lực phát triển mới cả về cấp độ pháp lý và nội dung hỗ trợ.
Nghị định mở rộng nhận thức, chuyển từ hỗ trợ sản phẩm CNHT hẹp sang hỗ trợ các hoạt động phát triển CNHT rộng bao gồm: Hoạt động trợ giúp của cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân về công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hợp tác quốc tế, phát triển thị trường; đầu tư dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; cung ứng dịch vụ phục vụ công nghiệp hỗ trợ.
Các dự án được hỗ trợ bao gồm dự án đầu tư mới, dự án mở rộng và đổi mới công nghệ có ứng dụng thiết bị mới, quy trình sản xuất mới, sản xuất sản phẩm với năng lực sản xuất tăng ít nhất 20%.
Các DN được ưu đãi về giao đất, cho thuê đất và được hưởng các ưu đãi sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai; Đồng thời, DN được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tín dụng, thuế giá trị gia tăng…theo quy định của Luật số 71/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Ngoài ra, DN được vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước, từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam cho hạng mục xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường của Dự án và được vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với mức lãi suất cho vay theo trần lãi suất cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại từng thời kỳ.
Hơn nữa, Chính phủ ưu tiên hỗ trợ bằng nguồn ngân sách nhà nước và nhiều chính sách phát triển cụ thể khác cho gần 60 mặt hàng thuộc 6 lĩnh vực CNHT, bao gồm 7 loại sản phẩm của ngành dệt may (xơ, sợi, vải, chỉ may, cúc, khóa kéo, lưng thun); 7 loại sản phẩm của ngành da – giày (vải giả da, da thuộc, đế giày, mũ giày, chỉ may giày, keo dán giày, khoen, móc); 9 loại sản phẩm của ngành điện tử (pin máy tính, pin điện thoại, dây cáp điện, đèn led, tai nghe, màn hình, loa); 16 loại sản phẩm của ngành sản xuất lắp ráp ô tô; 8 loại sản phẩm của ngành cơ khí chế tạo; 8 loại sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao…
Nhà nước còn hỗ trợ một phần chi phí đăng ký thương hiệu, kinh phí tham gia triển lãm hội chợ trong nước và ngoài nước, kinh phí tiếp cận thông tin thị trường và phí dịch vụ từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ tối đa đến 50% kinh phí đối với dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm CNHT thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển; hỗ trợ tối đa 75% chi phí chuyển giao công nghệ ở các dự án sản xuất vật liệu sử dụng trên 85% nguyên liệu là sản phẩm chế biến sâu khoáng sản trong nước. Cơ sở đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được tài trợ, hỗ trợ từ các Quỹ về khoa học và công nghệ, đào tạo và các Quỹ khác; Cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ của Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên đào tạo nâng cao trình độ ở trong nước và nước ngoài theo các chương trình đào tạo của nhà nước.
Ngoài các ưu đãi chung nêu trên, doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất sản phẩm CNHT thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển còn được vay tối đa 70% vốn đầu tư tại các tổ chức tín dụng trên cơ sở bảo lãnh của các tổ chức bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định khi có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật tối thiểu 15% giá trị khoản vay, sau khi đã loại trừ giá trị tài sản cầm cố, thế chấp cho các khoản vay khác; Có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, sau khi trừ số vốn chủ sở hữu thu xếp cho các dự án khác; Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, không có các khoản nợ đọng nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế khác.
Trường hợp Dự án có tính chất đặc biệt hoặc quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cần hỗ trợ cao hơn mức hỗ trợ quy định tại tiết trên thì Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Để xác nhận ưu đãi, các doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ tại các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương nơi đặt dự án hoặc gửi Bộ Công Thương. Kết quả xét duyệt sẽ có trong vòng 30 ngày làm việc…
Như vậy, có thể thấy, cùng với những chuyển động mạnh mẽ về nhận thức, pháp lý và chính sách về CNHT, cùng cách thức tổ chức thực hiện trên thực tế sao cho đồng bộ, thống nhất và thuận lợi, một số nút thắt đang từng bước được tháo gỡ, những xung lực tích cực mới đang hình thành và nhiều kỳ vọng mới về tương lai sáng sủa của CNHT Việt Nam đang đậm dần…
Minh Phong