Khi nền an ninh quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng, toàn bộ nguồn lực quốc gia cần phải được huy động để bảo vệ các lợi ích quốc gia, bảo vệ nền độc lập và sự phát triển xã hội. Từ chính trị, quân sự, ngoại giao đến thông tin là các mặt trận chính nhằm nâng cao sức mạnh nội tại, đẩy lùi ý chí xâm lược của kẻ thù và kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng bạn bè quốc tế.
Xuống đường yêu nước (ở đây, tôi nhấn mạnh khái niệm "xuống đường yêu nước" trong sự phân biệt với hiện tượng biểu tình quá khích, bạo động xảy ra trong mấy ngày qua) là một giải pháp, vì nó cổ vũ sự lớn mạnh của sức mạnh nội tại, tạo sự chú ý và trao đổi thông tin giữa các nhóm xã hội và quốc tế.
Xuống đường yêu nước của người Việt Nam tại Frankfurt Main - CHLB Đức ngày 10/5/2014. Ảnh: Trương Anh Tú |
An ninh bị đe dọa
Tháng 6/2011, tại hội thảo về các vấn đề chiến lược từ các nước mới nổi (BRICS) [1] tại Học viện quốc phòng Pháp, GS. Ding Yifan, phó giám đốc Viện phát triển thế giới thuộc Trung tâm nghiên cứu Phát triển, Hội đồng nhà nước TQ [2] khi được hỏi tại sao TQ là nước lớn có xung đột biên giới với hầu như tất cả các nước láng giềng, trường hợp duy nhất trong số các nước lớn trên thế giới, đã trả lời rằng: "khái niệm biên giới là do lỗi của phương Tây. Trước đây không tồn tại chuyện này. Chỉ có TQ và các nước phiên thuộc. Vì phương Tây mà các nước nhỏ mới có vấn đề lãnh thổ với TQ".
Ông Ding Yifan cho rằng: "các nền văn minh châu Á như TQ ra đời sớm, bằng hoặc sớm hơn các nền văn minh lớn trên thế giới. Nghĩa là từ lâu TQ đã có vị trí trên thế giới. TQ cần quay trở lại vị trí chi phối thế giới. Cần một cuộc Phục hưng về vị trí. Thật là mỉa mai khi nói rằng đây là nước "mới nổi"!"
Đó không đơn giản là một lời phát biểu có tính chất ngạo mạn cá nhân!
Đối với biển Đông, TQ cũng vạch ra đường lưỡi bò, chiếm hơn 80% diện tích biển Đông và đi sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia khác. Bên trong khu vực này, TQ tự cho mình có quyền kiểm soát, đưa ra các lệnh cấm đối với các phương tiện của các quốc gia khác.
Công ước luật biển quốc tế mà TQ là thành viên không có điều khoản nào quy định chủ quyền của một quốc gia ở mức như vậy. Không có logic nào có thể biện minh được hành vi này của chính phủ TQ.
Tự cho rằng chủ quyền không thể tranh cãi của mình bao gồm cả những khu vực thuộc các quốc gia khác, TQ đang cho thế giới thấy một hệ giá trị khác, một phương thức hành xử như đã từng thấy ở nhiều nơi trên thế giới trong thế kỉ 20 và trước đó.
Trong khi đó, nền văn minh thế giới đã tiến lên ở mức độ khác. Những ngày gần đây (8/5), trong khi châu Âu kỉ niệm ngày chấm dứt cuộc chiến tranh lớn cuối cùng ở châu Âu để mở ra thời kì hòa bình vững chắc, phát triển xã hội đi kèm với gắn kết các dân tộc, thì ở châu Á nổi bật nhất lại là các hoạt động xung đột, tranh giành lãnh thổ và nguồn lợi.
Từ 1/5 đến nay, TQ đưa giàn khoan Hải Dương 981 và đội tàu bảo vệ vào vùng đặc quyền kinh tế của VN, khiêu khích và khẳng định chủ quyền của TQ trên khu vực này và trên biển Đông. Các tàu cảnh sát biển của VN bị tấn công. An ninh của VN đã bị đe dọa trên một mức độ mới.
Tính từ 1974 đến nay, TQ liên tục đe dọa an ninh quốc gia của VN, dễ thấy nhất là trên mặt chủ quyền lãnh thổ. Tấn công và chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa năm 1974; chiến tranh biên giới phía bắc (và can thiệp trong chiến tranh biên giới Tây Nam) năm 1979; tấn công và chiếm 7 điểm đảo trong quần đảo Trường Sa năm 1988, v.v...; liên tục trong những năm gần đây là các hành động quấy rối và khẳng định chủ quyền trên các vùng biển VN (cấm đánh bắt cá, bắt tàu và ngư dân, cắt cáp tàu thăm dò, đâm tàu công vụ, uy hiếp và khiêu khích các tàu quân sự, v.v...).
Ảnh: Trương Anh Tú |
Bảo vệ an ninh quốc gia
Hưng Đạo Đại Vương trước khi mất có dặn vua Trần: "Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt... Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như cách tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy".
Có thể nói các mối đe dọa an ninh quốc gia của VN hiện tại là một dạng "tiến chậm như cách tằm ăn, không cầu thắng chóng".
Vì thế muốn giữ gìn an ninh quốc gia, ta cũng phải "chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy".
Ngoài ra trong cuốn sách kinh điển về nghệ thuật chiến tranh phương Tây Bàn về chiến tranh, Carl von Clausewitz cho rằng: "Không bao giờ được coi bản thân chiến tranh là có mục đích, mà phải nhìn nhận chiến tranh là một công cụ của chính trị và chính sách".
Bởi vậy để đảm bảo an ninh quốc gia trong thời kì phải chống chọi kiểu "tằm ăn lá", cần phải xây dựng thực lực quốc gia và tâm thế quốc gia [3]. Chúng ta không muốn chiến tranh vào thời điểm này, không phải vì sợ hãi, mà là vì chính trị và chính sách của ta chưa thấy chiến tranh là giải pháp tối ưu.
Giá trị việc xuống đường với cá nhân và xã hội
Xã hội và dư luận xã hội là một nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của các chính sách. Xuống đường chân chính thể hiện dư luận xã hội.
Đối với mỗi cá nhân, xuống đường chân chín là sự khẳng định của cá nhân đó với mối quan tâm chung, khẳng định nhiệt tình đóng góp cá nhân cho mục tiêu chung, cổ vũ cho các lực lượng chuyên nghiệp (chính trị, ngoại giao, quân sự, an ninh, truyền thông) làm tốt việc của mình trong khuôn khổ những giá trị xã hội chung đã được thừa nhận.
Trong nhiều trường hợp, các giá trị xã hội chung được định hình ngay trong những cuộc vận động xã hội lớn và phát triển trong những thời gian tiếp theo. Vậy thì trong thời kì hiện tại, việc mỗi người VN yêu nước chân chính xuống đường như ở Hà Nội, TPHCM cuối tuần qua và ở khắp nơi trên thế giới cũng là một dịp để thúc đẩy đối thoại xã hội và góp phần phát triển giá trị xã hội chung. Các giá trị ấy có thể là:
- Quan niệm về phát triển tinh thần văn minh quốc gia gắn liền với tinh thần độc lập dân tộc: Năm 1870, nước Nhật bắt đầu sử dụng đồng tiền Tora-sen, đồng tiền "con Hổ" hay "Fukoku Kyohei" nghĩa là "Nước giàu, quân đội mạnh". Fukuzawa Yukichi trong Khái quát một lí thuyết về nền văn minh năm 1875 đã viết: "người ta bắt đầu đặt mục tiêu phát triển nền văn minh Nhật Bản ngang hàng với phương Tây, thậm chí vượt qua họ.
Để làm được điều này, nếu chỉ nhập khẩu các công nghệ đơn lẻ từ phương Tây là không đủ, chẳng hạn như cách TQ mua vũ khí của nước ngoài. Điều cốt lõi là Nhật Bản phải học được tinh thần ẩn chứa đằng sau công nghệ và tạo ra được các nền tảng tổ chức phù hợp.
....
Nghĩa là nếu có một nghìn tàu chiến thì phải có ít nhất mười nghìn tàu buôn. Khi đó sẽ cần ít nhất một trăm nghìn thủy thủ. Và muốn như thế thì phải có khoa học hàng hải. Thậm chí còn phải hơn thế nữa.
Chỉ khi nào có được ngần đó người có khả năng, ngần đó người làm việc thực sự, và luật pháp phải được đặt đúng chỗ của nó, thương mại phát triển và xã hội phát triển với những điều kiện chín muồi thì lúc đó và chỉ lúc đó mới cần đến một nghìn tàu chiến. Ngược lại, nếu một quốc gia mua một nghìn tàu chiến thì đó là điều nhanh nhất dẫn đến kiệt quệ tài chính quốc gia.
...
Nền văn minh của một quốc gia không thể được đánh giá từ những bề mặt bên ngoài. Trường học, công nghiệp, quân đội và hải quân, tất cả đều là thể hiện trên bề mặt của nền văn minh. Không khó để tạo ra những dạng như vậy, tất cả đều có thể mua bằng tiền. Nhưng đằng sau nó là khía cạnh tinh thần, cái này không thể nghe, không thể thấy, không thể mua, cũng không thể bán, không thể cho vay và không thể cho mượn. Vậy mà ảnh hưởng của tinh thần quốc gia đó lên chính đất nước đó lại rất lớn. Không có nó, trường học, công nghiệp, hay khả năng quân đội mất tất cả ý nghĩa. Điều đó thực sự là giá trị quan trọng nhất, nghĩa là tinh thần của một nền văn minh, đến lượt nó sẽ biến thành tinh thần độc lập của một dân tộc" - hết trích.
- Quan niệm về nền tảng an ninh quốc gia và thực lực quốc gia: cần phải nhanh chóng xây dựng một nền công nghiệp, khả năng công nghệ lưỡng dụng - kết hợp quân sự và dân sự. Nước Nhật từ thời kì đầu xây dựng và phát triển đã coi Công nghệ là nền tảng an ninh quốc gia: "Suy nghĩ trong dài hạn về an ninh quốc gia, chúng ta cần tập trung trên khả năng sản xuất công nghiệp như là một nhân tố cơ bản trong cấu trúc an ninh quốc gia. Không có ý nghĩa nếu tách công nghiệp quốc phòng và công nghiệp dân sự. Tất cả đều là lưỡng dụng"[5].
Ảnh: Trương Anh Tú |
Giá trị của việc xuống đường yêu nước đối với quốc tế
VN có một lợi thế không nhỏ mà chỉ có một vài dân tộc có được - đó là mạng lưới các cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Các cộng đồng ở nước ngoài sẽ hỗ trợ được nhiều trong nước nếu có khả năng vận động chính nước sở tại ủng hộ và hợp tác với đất nước mình.
Israel là một nước xây dựng sự độc lập và giá trị quốc gia dựa trên thực lực dân tộc mà không phải là tài nguyên thiên nhiên hay lao động gia công giá rẻ. Thực lực ấy một phần rất lớn là nhờ ở những tinh hoa trong cộng đồng người Israel trên khắp thế giới. Thực lực ấy là nhờ sự thành công và ảnh hưởng chính trị ở xã hội sở tại khi họ tác động đến chính phủ các nước nhằm đảm bảo có những chính sách có lợi cho Israel.
Người VN ở khắp nơi trên thế giới cũng cần phải có một tinh thần và phương pháp để giúp đỡ VN. Giúp đỡ trực tiếp từ khả năng chuyên môn của các cá nhân và giúp đỡ gián tiếp thông qua vận động xã hội các nước sở tại.
Trong những ngày vừa qua, việc người VN đồng loạt xuống đường yêu nước tại Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức và nhiều nước khác sẽ giúp việc vận động dư luận và chính sách các nước ủng hộ VN, phản đối TQ trong những hành động khiêu khích và vi phạm luật pháp, trật tự và quy tắc ứng xử quốc tế. Làm sao có thể vận động chính sách nếu không có áp lực nào từ phía xã hội và truyền thông?
Áp lực ấy có thể có được từ đâu? Câu trả lời là từ chính mỗi người, từ hành động xuống đường biểu thị thái độ và từ việc vận động và lan truyền thông tin tới những nhóm xã hội sở tại khác nhau. Nếu không có các cuộc xuống đường yêu nước thì sẽ rất khó có các tác dụng tích cực đối với VN, hoặc nếu có, thì chỉ đơn giản là vì các nước đó cảm thấy quyền lợi hay giá trị của chính họ bị đe dọa sau những chính sách và hành động của chính phủ TQ.
Nhưng nếu xuống đường mà không có ảnh hưởng chính trị và truyền thông thì cũng không có nhiều tác dụng. Vì thế, điều cốt lõi của việc vận động tại nước ngoài là chính cộng đồng hoặc cộng đồng có những người bạn nước sở tại có khả năng liên hệ và gây tác động đối với giới có ảnh hưởng địa phương.
Vì thế, xuống đường chân chính, một hành động tưởng chừng đơn giản, ít tác dụng và có phần không bình thường với đa số người VN hiện nay, dịp này, lại có ý nghĩa rất lớn.
Xuống đường chân chính không đơn giản chỉ là hô khẩu hiệu mà là dịp để suy ngẫm về một hệ giá trị, để làm thức dậy tinh thần quốc gia và để tạo một sức mạnh tổng hợp bảo vệ nền độc lập và an ninh cho dân tộc mình.
Trần Bình (từ Paris)
----
Chú thích
[1] Nhóm các nước Brasil, Nga, Ấn Độ, TQ và Nam Phi.
[2] Institute of World development, Development Research Center, the State Council of People Republic of China.
[3] Cần tìm khái niệm chính xác nhất cho cụm từ "national identity/ indentité nationalle".
[4]: Một lý luận phổ biến tại Nhật thời kì 1920.
[5]: Ueda, 1991 trích phát biểu của một thiếu tướng quân sự trong Lực lượng phòng vệ Nhật Bản.