Những ngày qua, dư luận xã hội đang dành sự quan tâm tới việc gia đình ông N.H.N ở TP Huế tố cáo hành vi chữa bệnh rồi gây chết người của ông Lê Minh Q. (SN 1977, thường trú phường Xuân Phú, TP Huế; tạm trú TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng).

Dư luận lên án hành vi tự thiêu thi thể cháu Q. của ông Lê minh Q. (Ảnh gia đình cung cấp)

Phản ánh với VietNamNet, ông N. cho biết, ông quen biết với ông Q. hơn 5 năm nay và được ông Q. giới thiệu là chuyên chữa thành công cho trẻ bị chậm phát triển, tự kỷ.

Tin lời ông Q., tháng 3/2022, ông N. đưa con trai là cháu N.H.M.Q. (SN 2019) vào Lâm Đồng để gửi cho ông Q. chữa bệnh. Chi phí chữa trị 200 triệu đồng/tháng, gia đình ông N. đặt cọc trước 600 triệu cho ông Q.

Tuy nhiên, gần 1 tháng sau, gia đình ông N. bàng hoàng khi ông Q. ra Huế, hẹn gặp gia đình và bàn giao hũ tro cốt được cho là của cháu Q. 

Phát hiện cái chết của con trai có nhiều điểm bất thường, ông N. gặng hỏi thì được ông Q. báo là cháu bị mất vì Covid-19, ông này tự ý dùng củi thiêu thi thể cháu bé rồi đưa hũ tro cốt ra bàn giao cho gia đình.

Sau cái chết bất thường của con, ông N. đau khổ, day dứt và mong cơ quan chức năng sớm tìm ra sự thật

Bình luận trên báo VietNamNet, nhiều độc giả bày tỏ sự chia sẻ, đồng cảm đối với mất mát của gia đình ông N. và mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc, điều tra nguyên nhân vụ việc.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều người bày tỏ quan điểm cho rằng vợ chồng ông N. quá nhẹ dạ cả tin khi giao con nhỏ cho ông Q. chữa bệnh khi không tìm hiểu cặn kẽ về nơi ăn, chốn ở, khả năng chữa bệnh của ông Q.

“Con mới 3 tuổi mà cũng giao cho người lạ được. Chuyện xảy ra cũng có phần trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ”, độc giả Đặng Thế Q. bày tỏ ý kiến.

“Thương cháu, bố mẹ thật đáng trách. Con mình đã bị chậm rồi lại còn giao cho người lạ chăm sóc. Đọc mà rơi nước mắt. Con thì số khổ, cha mẹ lại thiếu hiểu biết, thành ra con khổ chồng khổ!”, độc giả Trương H. và Tâm S. bình luận.

Trong số hàng chục bình luận và quan tâm của độc giả, nhiều người cũng cho rằng, những trẻ bị tự kỷ và mắc bệnh chậm phát triển đã quá thiệt thòi, cần được yêu thương chăm sóc trực tiếp của cha mẹ, gửi con đi chữa bệnh xa là phản khoa học và có thể khiến bệnh của các cháu nặng hơn.

“Thực sự không thể hiểu nổi! Biết là con có chứng đó thì rất lo lắng và mong muốn con có thể phát triển tốt. 

Nhưng trước khi gửi con đi như thế, lại còn mất 1 đống tiền của hàng tháng, phụ huynh cũng phải hỏi han, tìm hiểu cho kỹ chứ”, độc giả Ngọc A. bày tỏ quan điểm.

Trẻ chậm phát triển cần sự quan tâm của cha mẹ

Chia sẻ với VietNamNet, Thạc sĩ Tâm lý Trần Cao Quanh – Giám đốc chuyên môn Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hoà nhập Minh Anh (đơn vị chuyên tư vấn, can thiệp sớm cho trẻ chậm phát triển ở TT-Huế) nhận định, vụ việc có nhiều bất thường về pháp luật cũng như mặt chuyên môn khi bắt bệnh cũng như can thiệp sớm cho cháu bé của ông Lê Minh Q. - người tự xưng là có khả năng điều trị cho trẻ chậm phát triển.

Căn nhà trọ cấp 4 nơi ông Q. thuê ở nhưng được ông này giới thiệu với người gia đình ông N. là biệt thự, cơ sở chữa bệnh. Ảnh gia đình cung cấp 

Theo ông Quanh, chậm phát triển là một tình trạng rối loạn bẩm sinh ở trẻ. Nguyên nhân gây ra chậm phát triển chưa rõ ràng, bao gồm nhiều nhóm yếu tố có nguy cơ gây ra chậm phát triển như yếu tố môi trường, di truyền và các yếu tố tâm lý thần kinh.

Những trẻ bị chậm phát triển hiện nay phải được can thiệp trị liệu thông qua phương pháp giáo dục được kiểm chứng. 

Tùy vào khả năng, năng lực của trẻ và mức độ khó khăn trẻ gặp phải để kết hợp các phương pháp can thiệp phù hợp. 

Đồng thời, với sự nỗ lực can thiệp từ gia đình thì trẻ sẽ có sự phục hồi, phát triển ở các lĩnh vực, ở những mức độ khác nhau.

Các phương pháp can thiệp, chương trình can thiệp đều chú trọng phát huy vai trò can thiệp, trị liệu cho trẻ của cha mẹ tại gia đình. Cha mẹ là một đội ngũ can thiệp hiệu quả cho con của mình.

“Tuy nhiên, theo chia sẻ của gia đình anh N.H.N. thì trong quá trình điều trị chậm phát triển cho cháu Q. ông Lê Minh Q. lại sử dụng cách tách trẻ hoàn toàn ra khỏi gia đình, không cho cha mẹ gặp trẻ trong lúc can thiệp, trị liệu…

Cha mẹ không được đến thăm con và cũng không cho cha mẹ đến nơi tìm hiểu nơi con mình sẽ được can thiệp, điều trị thế này là một cách can thiệp “phi giáo dục” và “phản khoa học”. 

Đặc biệt, trong trường hợp này trẻ mới gần 3 tuổi, một độ tuổi cần sự yêu thương, đùm bọc của gia đình nên cha mẹ đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ trẻ”, ông Quanh nói.