Xác định được tầm quan trọng công tác phân luồng, hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh sau THCS và THPT, thời gian qua Trung tâm GDNN - GDTX huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ) đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông, đổi mới nội dung và phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường.

Cùng với đó, việc khảo sát nhu cầu, năng lực của người lao động và công tác đánh giá thị trường được Trung tâm thực hiện kỹ lưỡng. Đặc biệt, Trung tâm có kết nối với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đảm bảo đầu ra cho các học viên sau đào tạo.

{keywords}
Trong công tác đào tạo nghề, phân luồng học sinh việc đánh giá thị trường rất quan trọng. Ảnh minh họa

Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm đã mở được 24 lớp Trung cấp nghề và cao đẳng cho hơn 600 học viên tham ra học nghề; và mở được 42 lớp Sơ cấp nghề dạy cho 1.146 đối tượng lao động nông thôn; tập trung chủ yếu ở các nghề như: chăn nuôi thú y, trồng cây có múi, nuôi và phòng bệnh cho gà, Sửa chữa máy nông nghiệp, May công nghiệp… Các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn được tổ chức tại các xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho lao động khi tham gia học nghề, sau khi được đào tạo tỷ lệ có việc làm đạt trên 85%.

Hiện trong năm học 2019-2020, Trung tâm có 10 lớp với tổng số 392 học sinh; 100% học viên khi vào học tại trung tâm đều được đăng ký học nghề theo nguyện vọng và được dạy nghề miễn phí. Các lớp dạy nghề được bố trí hợp lý, cơ bản đầy đủ trang thiết bị, máy móc được các trường liên kết chuyển về trung tâm.

Theo đánh giá cuối năm học đã có 95% học viên hoàn thành chương trình học Trung cấp nghề; đạt loại giỏi và loại khá 70% trở lên, đưa tổng số học viên được đào tạo nghề trong 3 năm gần đây lên trên 300 học viên với các nghề như: Điện công nghiệp, Tin học văn phòng, Sửa chữa máy lạnh và điều hòa không khí, Chăn nuôi thú y... Học viên sau khi học xong đều có việc làm với mức thu nhập bình quân từ 3-7 triệu đồng/người/tháng.

Có thể nói, mô hình dạy văn hóa kết hợp dạy nghề là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phân luồng học sinh sau khi hoàn thành chương trình THCS. Chẳng hạn, năm học 2018 - 2019 vừa qua, số học sinh tốt nghiệp THCS của Yên Lập là 1.199 em, trong đó có 888 em thi đỗ hoặc đủ điều kiện vào học THPT (đạt 74,1%). Số học sinh còn lại dựa trên kết quả học tập và hoàn cảnh gia đình đã đăng ký theo học các chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT; vừa học văn hóa vừa học trung cấp chuyên nghiệp hoặc chỉ theo học trung cấp nghề.

Kim Anh