Trang trại của anh Mai Đình Tuân (SN 1987 – Phú Lương, Thái Nguyên) là địa điểm chăn nuôi an toàn sinh học được nhiều người đến thăm quan học hỏi.
Anh Tuân chia sẻ, chăn nuôi an toàn sinh học là nuôi gà theo quy trình khép kín và nghiêm ngặt.
Con giống có nguồn gốc xuất xứ, quá trình nuôi được tiêm phòng vaccine phòng chống dịch bệnh. Chuồng trại khô ráo, sạch sẽ, thức ăn hữu cơ từ thảo mộc, cây cỏ kết hợp men vi sinh, đủ dinh dưỡng. Nguồn chất thải được kiểm soát. Anh đổi sang kháng sinh tự nhiên từ thảo dược (phối trộn các loại thảo dược có chất kháng sinh như tỏi, nghệ, gừng vào thức ăn).
Ảnh minh họa. |
Ngày trước khi mới bắt đầu nuôi gà, kháng sinh là thứ không thể thiếu trong danh sách mua thuốc men của trang trại. Các dịp thời tiết giao mùa, mới nhập đàn… anh đều đưa kháng sinh vào thức ăn, nước uống để phòng bệnh. Thời gian đầu, đàn phát triển tốt, tuy nhiên chất lượng thịt không ngon.
Bên cạnh đó, việc lạm dụng thuốc kháng sinh gây tác dụng ngược, đàn gà dễ ốm, kém phát triển, dùng liều lượng thuốc tăng hơn, chi phí chăn nuôi tăng. Anh thừa nhận, thời điểm đó thu nhập không ổn định, gà dễ mắc bệnh.
Một lần, anh được giới thiệu về phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đàn vật nuôi ít ốm. Anh nhờ cán bộ thú y địa phương và một số chuyên gia tư vấn. Ngoài ra, anh Tuân đến các trại chăn nuôi gà sinh học thăm quan, học hỏi. Những kiến thức tìm hiểu được, anh mang về áp dụng thử, không ngờ thành công. Từ đó, anh quyết định rẽ hướng sang chăn nuôi an toàn sinh học. "Hiệu quả thấy rõ từng ngày", anh nói.
Ngoài ra, anh Tuân sử dụng acid hữu cơ trong suốt quá trình nuôi gà, giúp vật nuôi tránh được bệnh tiêu chảy, đường ruột khỏe, có thể hấp thụ được dinh dưỡng trong thức ăn tốt nhất.
Với phương pháp này, đàn gà của anh Tuân lớn nhanh, tỉ lệ hao hụt giảm, đạt cân nặng khi xuất bán, giảm chi phí chăn nuôi. Gà đạt cân khi xuất bán, thời gian nuôi giảm được 1-2 ngày, c chi phí cho thú y điều trị giảm từ 1.500đ-2.000đ/con.
Nhờ sử dụng phương pháp khử mùi từ men hữu cơ, chuồng trại của anh không có mùi hôi, chất thải chăn nuôi xử lý sạch sẽ.
“Ngoài phương pháp khử mùi do cán bộ thú y tư vấn, tôi tham gia các nhóm về nông nghiệp và học được cách xử lý mùi từ men tự chế. Loại men này là hữu cơ, khử mùi rất hiệu quả mà chi phí lại thấp”, anh Tuân tiết lộ.
Hệ thống chuồng trại được anh Tuân chú trọng đến công nghệ 4.0, lắp đặt hệ thống máng ăn, nước uống tự động, tránh lãng phí thức ăn, mất công vệ sinh. Số hóa việc quản lý số lượng đàn... Đồ ăn, thức uống được cho vào máng tổng, dùng cầu dao điện là anh Tuân đã cho đàn gà cả vạn con của mình ăn uống cùng lúc. Dưới nền đất có đệm lót sinh học. Chuồng đảm bảo ấm về mùa đông, kín gió và ấm về mùa hè.
Mô hình nuôi gà trên đệm lót dễ thực hiện. Chất lượng sản phẩm tăng do gà ăn men vi sinh từ điệm lót sẽ giúp tiêu hóa tốt thức ăn, gà ít bệnh, không bị thối bàn chân, không bị què chân và giảm tồn dư kháng sinh.
Các thời kỳ cao điểm xuất hiện dịch bệnh cho đến ngày thường, anh hạn chế người ra vào trại. Chỉ nhân công làm trong trại mới được vào bên trong chuồng nuôi. Trước khi vào, phải khử khuẩn toàn thân bằng máy tự động.
Một điểm khác biệt nữa là anh cho lắp đặt hệ thống camera ở khu vực chăn nuôi, quản lý qua phần mềm trên điện thoại thông minh. Như vậy, anh có thể bao quát chuồng trại khi vắng nhà, có thời gian nghỉ ngơi...
Một năm anh nuôi 6 lứa, trung bình 50 ngày 1 lứa. Lợi nhuận dao động 10 nghìn – 20 nghìn/con gà. Ước tính, mô hình nuôi gà sinh học đã mang lại cho anh lợi nhuận nửa tỷ đồng mỗi năm. “Nuôi gà sinh học không tốn công chăm sóc, nhàn so với nuôi gà truyền thống. Chất lượng thịt đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt, giá trị kinh tế cao hơn hẳn”, anh Tuân chia sẻ.
Bên cạnh chăn nuôi, anh Tuân còn thường xuyên giúp bà con trong huyện xây dựng mô hình nuôi gia cầm, tư vấn sâu về chuyên môn cho các hộ mới bắt đầu nuôi và lập các hội, nhóm để trao đổi kinh nghiệm, bài học và phương pháp chăn nuôi áp dụng công nghệ mới.
Quang Sơn