Huyện Yên Thủy, tỉnh Hoà Bình có diện tích tự nhiên trên 28 nghìn ha, dân số trên 64 vạn người.

Những năm qua, huyện luôn chú trọng, kịp thời triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn. Do vậy, vùng dân tộc, nhất là vùng đặc biệt khó khăn đã được đầu tư từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng với điện, đường, trường, trạm... thông qua các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia. 

Trong năm 2023, nguồn vốn đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719) được phân bổ cho huyện trên 82 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn năm 2022 chuyển sang 33 tỷ đồng, nguồn vốn năm 2023 trên 49,5 tỷ đồng.

Đến hết năm 2023, huyện Yên Thủy đã giải ngân được 100% vốn. Nguồn vốn sự nghiệp được phân bổ gần 33 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn năm 2022 chuyển sang 8,7 tỷ đồng, năm 2023 là 24,2 tỷ đồng.

anh man hinh 2024 03 02 luc 090014.png
Yên Thủy (Hoà Bình) dồn lực thực hiện dự án phát triển vùng dân tộc thiểu số. 

Huyện đã tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch hàng năm, đồng thời kiện toàn công tác tổ chức chỉ đạo, quản lý, điều hành, ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể tới các thành viên, cơ quan, đơn vị. 

Đại diện Phòng Dân tộc huyện Yên Thủy cho biết, huyện triển khai thực hiện các dự án, khuyến khích và mở rộng tạo được việc làm cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thúc đẩy tinh thần tự lực, tự cường của người dân và cộng đồng trong giảm nghèo.

Tuy nhiên, vì điều kiện kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn với xuất phát điểm thấp, vì vậy công tác giảm nghèo còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn vốn, định mức Chương trình hạn chế nên chưa đáp ứng nhu cầu thực tế ngày càng cao của bà con vùng đặc biệt khó khăn. 

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong thời gian tới, Phòng Dân tộc huyện bám sát nhiệm vụ phát triển của từng địa phương trên địa bàn để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc, cùng chính quyền địa phương tìm phương án giải quyết hợp lý nhằm phục vụ nhu cầu đời sống, sản xuất của nhân dân.

Cùng với đó là nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, người có uy tín trên địa bàn huyện, thăm hỏi, động viên người có uy tín và người thân người có uy tín, đảm bảo quyền lợi, thực hiện đúng chính sách của Nhà nước. Đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất và đời sống ở các xã, thôn, bản trong vùng; xây dựng các mô hình sản xuất hàng hoá phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, giúp người dân chủ động hơn trong công tác giảm nghèo, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. 

Thùy Chi và nhóm PV, BTV