Bớt hào hứng

Sau lần khảo sát đợt 1 (13-19/5), Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) tiến hành khảo sát tâm lý và hành vi của khách du lịch nội địa lần hai (25/7-4/9) với hơn 1.000 người tham gia.   

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký TAB, cho hay qua khảo sát chứng tỏ có sự phục hồi về nhu cầu đi du lịch, đặc biệt là hai thị trường nguồn Hà Nội và TP.HCM - hai địa phương có số người tham gia khảo sát đông nhất.

Theo đó, 41% du khách được hỏi trả lời sẵn sàng đi du lịch trong tháng 10-11-12, nhưng so với lần khảo sát đầu không  hào hứng bằng (54%). Du khách Hà Nội hứng khởi đi du lịch trong những tháng đầu, còn du khách TP.HCM đi du lịch bên ngoài nhiều hơn, đều hơn, kéo dài đến dịp Tết âm lịch. Đây là cơ sở để các cơ quan, DN du lịch xây dựng sản phẩm tour đáp ứng nhu cầu của khách.

{keywords}
Hai yếu tố quyết định việc khách đi du lịch hay không vào thời gian tới

Ngoài đi bằng máy bay (71%), thì 29% du khách cho biết sẽ đi du lịch bằng xe riêng (tăng mạnh so với 20% của đợt khảo sát đầu) chứng tỏ người dân quan tâm hơn đến sự an toàn.

Ông Chính nhận xét, khảo sát cho thấy yếu tố an toàn (31%) và khả năng tài chính (33%) tác động lớn đến kế hoạch đi du lịch của người dân. Phần lớn người trả lời (87%) lựa chọn ưu đãi trực tiếp vào giá dịch vụ du lịch.

Kéo theo đó là xu hướng đi ngắn ngày hơn. Gần 47% người được hỏi lựa chọn tour ngắn ngày (2-3 ngày), số người chọn đi 6-7 ngày trở lên gần như không có.  

Ngoài ra, gần 80% du khách lựa chọn đi theo gia đình/bạn bè chứng tỏ tâm lý e ngại dịch bệnh của du khách vẫn còn. Các DN du lịch, khách sạn dựa vào đây có thể đưa ra các sản phẩm phù hợp với đối tượng khách mới này.

Trong thời Covid, cách đặt tour của người dân cũng thay đổi. Xu hướng khách tự đặt tour trực tiếp tăng (40% so với 29%) mà ít qua các công ty du lịch và giữ thói quen đặt dịch vụ du lịch qua nền tảng trực tuyến (36% so với 44%). Điều đó chứng tỏ dịch Covid-19 đã tác động đến thói quen mua sắm trực tuyến của du khách.

Điểm đến được khách du lịch nội địa ưu tiên lựa chọn thời gian này là du lịch biển và du lịch thiên nhiên, trong đó nghỉ dưỡng núi cũng tăng mạnh.

Điều khác biệt của khách đi du lịch thời Covid là 52% khách du lịch sẵn sàng mua thêm gói bảo hiểm du lịch trong thời gian dịch bệnh. Do đó, TAB kiến nghị ngành du lịch cần làm việc ngành bảo hiểm để tạo ra gói bảo hiểm du lịch mới và khuyến khích khách mua bảo hiểm du lịch, tránh tình huống du khách gặp rủi ro vì dịch bệnh bùng phát ở Đà Nẵng mà không được bảo hiểm chi trả.

Nếu hài lòng, khách sẵn sàng chi tiền

Ông Hoàng Nhân Chính cho rằng, lâu nay chúng ta luôn đặt ra bài toán: Làm thế nào để du lịch Việt Nam bắt kịp được các nước trong khu vực, như bằng và vượt được Thái Lan. So sánh qua để thấy du lịch Việt Nam và du lịch Thái Lan còn khoảng cách khá xa.

Năm 2019, Việt Nam đón được 18 triệu lượt khách quốc tế thì Thái Lan đã đón hơn 30 triệu khách. Tại Thái Lan, chi tiêu trung bình của khách quốc tế là 2.000-2500 USD/người, còn Việt Nam chỉ xấp xỉ 1.000 USD/người trong khi thời gian lưu trú tương đương nhau (Việt Nam từ 9,5-9,8 ngày, Thái Lan 10 ngày).

{keywords}
Quảng Ninh đã từng đột ngột tăng vé tham quan vịnh Hạ Long nên bị phản ứng. Nếu có sự tham gia của DN trong việc ra quyết định thì sẽ tránh được những tình huống như thế này.

“Tại sao khách đến Thái Lan chi nhiều tiền hơn? Vấn đề đặt ra là nếu điểm đến càng làm tốt, họ càng hài lòng thì càng chi nhiều”, ông Chính phân tích.

Trong khi tại Việt Nam, khảo sát của TAB về công tác quản lý điểm đến du lịch của Việt Nam, thực hiện từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, cho thấy, về mức độ hấp dẫn của điểm đến, Việt Nam luôn nổi trội về tài nguyên sẵn có, được đánh giá cao. Tuy nhiên, công tác tiếp thị kém. Hầu hết các địa phương chưa biết tiếp thị và tiếp thị kém hiệu quả, theo lối tiếp thị truyền thống mà chưa tận dụng được các trang web, mạng xã hội.

Giá cả hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam bị đánh giá thấp vì chưa tương xứng với giá tiền (chỉ đạt 2,85/5 điểm).

Ông Chính nhận xét, giá cả ở Việt Nam luôn được khen là rẻ so với các nước nhưng vẫn bị chê vì khách du lịch bị móc túi một cách phi lý. Chẳng hạn, khi khách đông, khách sạn hay các dịch vụ tự động tăng giá mà không báo trước. Do vậy, giá rẻ mà khách vẫn chưa hài lòng. Chúng ta hoàn toàn có thể tăng giá khách sạn, dịch vụ,... nhưng chất lượng phải tăng tương xứng, phải minh bạch, công khai. Khi khách du lịch hài lòng, họ sẵn sàng chi trả kể cả đắt đỏ.

Ngoài ra, về môi trường, cứ khách đông là rác tràn ngập, làm khách du lịch e ngại. Tất cả các khía cạnh như biển báo, hướng dẫn bảo vệ môi trường; bảo vệ đa dạng sinh học; thu gom rác; quản lý nước thải, chất thải sinh hoạt; nhà vệ sinh công cộng,... đều nằm dưới mức trung bình, cần phải cải thiện (dưới 5).

Về thái độ của người dân địa phương, tuy thân thiện mến khách nhưng tình trạng bán hàng rong, chặt chém khiến khách không vui, không hài lòng.

Phần lớn du khách được hỏi (90% trong số 497 người) cho rằng, quản lý điểm đến du lịch là cần thiết và rất cấp thiết. Lâu nay, mô hình quản lý điểm đến chỉ có sự tham gia của chính quyền địa phương mà thiếu vắng cộng đồng dân cư, cộng đồng doanh nghiệp du lịch,... Vì vắng mặt nên lâu nay họ không có tiếng nói để góp phần cải thiện điểm đến.

Do đó, TAB kiến nghị các điểm đến cần được hình thành và vận hành theo quy luật thị trường. Việc vận hành điểm đến cần theo mô hình và cơ chế hợp tác đa thành phần, đẩy mạnh hợp tác công - tư, xây dựng quỹ hoạt động có đóng góp từ khu vực tư nhân.

Tổng cục Du lịch cũng cần hỗ trợ kỹ thuật và tham gia với vai trò dẫn dắt, chẳng hạn thành lập một bộ phận chuyên quản lý các điểm đến để đưa định hướng, giải pháp.

Ngọc Hà