- Trước quyết định đóng cửa Zone 9, chủ nhiều cửa hàng kinh doanh tại đây không chỉ tiếc công sức, tiền bạc đầu tư mà quan trọng hơn, họ tiếc nuối một không gian nghệ thuật chân chính đã sớm bị “chết yểu”.

Đóng cửa, ngừng các hoạt động kinh doanh, buôn bán, sửa chữa tại Zone 9 - giải pháp được cho là “an toàn” sau vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại đây ít ngày trước, khiến nhiều chủ kinh doanh trong khu Zone 9 bất ngờ. Nhiều người cho hay họ chưa kịp phản ứng gì với quyết định trên.

Anh Đào Văn Sơn, chủ quán café chưa kịp đặt tên trong Zone 9, buồn rầu nói về quá trình kinh doanh của mình. Đầu tư kinh doanh tại đây từ đầu tháng 7, quán của anh chủ yếu bán café và đồ ăn nhanh, phục vụ nhu cầu của giới văn nghệ sĩ, các công ty, văn phòng dạy múa, dạy vẽ tại đây.

{keywords}

Zone 9 là công sức và tâm huyết của nhiều người trong giới văn nghệ sĩ

Nói về những ngày đầu tiên, anh Sơn chia sẻ: “Khu này ẩm mốc, các dãy nhà vốn để hoang từ lâu. Chúng tôi phải tốn bao công sức để cải tạo lại. Tôi thuê người làm lại nền, vôi ve lại tường nhà, rồi bày đặt bàn ghế, trang trí quán theo ý tưởng”. Số tiền anh bỏ ra đã lên tới cả trăm triệu đồng. Thời gian sửa chữa cũng đằng đẵng, mất mấy tháng trời. “Không phải một sớm một chiều tôi có được cái quán đẹp đẽ, trang hoàng như thế này đâu”, anh Sơn bùi ngùi.

Trước thông tin Zone 9 bị đóng cửa nay mai, anh Sơn buồn rầu nói: “Đầu tư tiền của, công sức là vậy, kinh doanh chưa kịp thu hồi vốn giờ tôi phải đối mặt chuyện bị đóng cửa. Tôi ký hợp đồng với công ty tư vấn Bất động sản Thành Đạt 3 năm, nay mới được mấy tháng, còn chưa kịp bổ sung thêm đồ đạc”.

Nói về dự định tương lai, anh Sơn cho biết: “Nếu không thể làm ăn tiếp thì tôi đành tìm địa điểm khác để chuyển đi. Tuy nhiên, tôi tiếc Zone 9 vì nó đẹp, nó quá tuyệt vời. Tôi tiếc!”. 

{keywords}

{keywords}

Zone 9 lấy cảm hứng từ những điều cổ xưa, độc đáo

Là một trong những người đầu tiên gây dựng lên Zone 9, anh Trịnh Tú Tùng, chủ quán 1960, nói rằng: “Chúng tôi chưa hề nhận được bất kỳ văn bản, công văn nào từ thành phố, từ quận về việc đóng cửa khu này. Nếu là thật, chúng tôi rất đắn đo, buồn và tiếc nuối”.

Thuê lại mặt bằng để kinh doanh bar café từ đầu năm, nhưng quán 1960 chỉ mới hoạt động được một tháng nay. Lý giải điều này, anh Tùng cho biết ban đầu khu hợp tác xã rất hoang vắng, tồi tàn, anh cùng những người bạn đã phải bỏ công, bỏ sức, bỏ tâm huyết để trùng tu, cải tạo lại cho phù hợp với quan điểm nghệ thuật và ý đồ kinh doanh.

“Số tiền chúng tôi đầu tư vào chỗ này, nói thật không kể hết được, mà có nói ra các bạn cũng không thể lường được. Nhưng tiền là một chuyện, công sức, tâm huyết chúng tôi bỏ ra thì đáng quý, đáng tiếc hơn rất nhiều”, anh Tùng chia sẻ. 

{keywords}
Buồn, tiếc nuối là tâm trạng chung của các chủ quán khi đã dồn tiền bạc, công sức đầu tư vào Zone 9.

Anh Tùng cho biết thêm, tại Zone 9 chưa từng xảy ra một vi phạm nào liên quan đến việc lấn chiếm, khách hàng sử dụng ma túy hay bán rượu trái phép, ô nhiễm tiếng ồn. Mọi hoạt động trong Zone 9 đều lành mạnh, đúng pháp luật và hướng tới giá trị nhân bản.

Chung quan điểm trên, nhà văn Nguyễn Quý Đức, chủ quán Tadioto phát biểu: “Nếu Nhà nước có lệnh đóng cửa Zone 9 thì tôi sẽ tuân thủ”. Tuy nhiên, gương mặt ông không giấu được nỗi buồn và sự tiếc nuối.

Đầu tư xây dựng quán Tadioto được 6 tháng và vẫn đang trong quá trình xây dựng, phát triển, chưa hoàn thiện hết về mặt ý tưởng, nhà văn cho rằng khi đóng cửa Zone 9, vấn đề với ông không chỉ là tiền bạc mà ông cảm thấy tiếc cho một không gian đặc biệt như Zone 9 không được đưa vào sử dụng, khai thác đúng mức.

Gọi Zone 9 là “trường học lớn của thế hệ trẻ” với những bài học tổ hợp về kinh doanh, IT, kiến trúc, điêu khắc... , ông bày tỏ mong muốn được giữ lại, để Zone 9 hoạt động bình thường, để những người như ông có cơ hội để “chứng minh chúng tôi đã làm việc nghiêm túc và đang cố gắng để tạo ra sân chơi bổ ích cho nhiều thế hệ”.

Khổng Chiêm