Ông Nguyễn Hoàng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) gửi tới VietNamNet bài viết chia sẻ kinh nghiệm nhận được sự đồng thuận của phụ huynh khi thực hiện thu các loại phí đầu năm học.
VietNamNet giới thiệu bài viết này.
Ảnh: Phạm Hải |
Trong tình hình hiện nay, vào đầu năm học đa số các cơ sở giáo dục công lập đều có thu một số khoản ngoài học phí nhằm cải tạo cơ sở vật chất, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, phụ đạo học sinh yếu – bồi dưỡng học sinh giỏi... Nhưng làm sao để phụ huynh đồng thuận?
Là hiệu trưởng, nhiều năm “đến hẹn lại... thu”, tôi xin chia sẻ 10 biện pháp đã thực hiện:
1. Thuyết phục phụ huynh
Phụ huynh hiểu mục đích thu để làm gì. Thu đúng - thu đủ là một lẽ, nhưng quan trọng hơn là thuyết phục phụ huynh bằng chính sự thay đổi của nhà trường (trong thời gian qua, triển vọng) nơi con em họ học tập. Nhà trường an toàn, thân thiện, chất lượng dạy học tiến bộ, thầy cô tận tâm, ban giám hiệu sâu sát tình hình trường, lớp... sẽ làm phụ huynh tin tưởng. Và, có niềm tin là có tất cả.
2. Đừng đặt ra “hạn cuối phải nộp tiền là xx/yy/zz”
Khi đưa ra kế hoạch thu trước cuộc họp toàn thể phụ huynh theo lớp cần tạo sự nhất trí cao, còn thời hạn đóng tùy hoàn cảnh mỗi phụ huynh. Phụ huynh có điều kiện đóng một lần, phụ huynh khó hơn thì đóng làm nhiều lần. Đóng cho bộ phận tài vụ của trường (giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ theo dõi và tế nhị nhắc nhở), tuyệt nhiên không đặt ra thời hạn thu ngắn gây bức xúc cho phụ huynh.
3. Chớ đụng gì... thu đó
Chỉ thu những khoản thật cần thiết (nhà trường và phụ huynh cùng góp là tốt nhất, chẳng hạn phụ huynh góp 50%, phần còn lại trích từ ngân sách của nhà trường và hỗ trợ kinh phí của cấp trên). Còn tiền vệ sinh, nước uống, phô tô, học bạ, ghế ngồi cho học sinh chào cờ... trích từ học phí để trả. Đụng gì thu đó, phụ huynh dự họp đầu năm, nhận một tờ “sớ” liệt kê các khoản thu từ A đến Z, khó chịu lắm. Tan họp lại lùm xùm chuyện lạm thu.
4. Có sự đồng thuận trong giáo viên, nhân viên của trường
Nhiều hiệu trưởng còn chủ quan về việc này. Xin nhớ rằng “trong ấm, ngoài êm”,đôi khi từ những thắc mắc, hoài nghi, ấm ức trong nội bộ lan tỏa rồi lại đơn thư – có trường hợp mượn danh nghĩa phụ huynh nhưng thật ra người đứng đơn là trong trường. Vì vậy, hiệu trưởng dự kiến kế hoạch thu trong năm học rồi thông qua trong các cuộc họp chi bộ, liên tịch, toàn thể giáo viên – nhân viên – người lao động. Hiệu trưởng lắng nghe thông tin phản hồi và điều chỉnh nếu thấy cần thiết.
5. Theo đúng hướng dẫn thu đầu năm của sở, phòng GD-ĐT
Đầu năm học, các cơ sở giáo dục đều nhận được hướng dẫn công tác thu của cấp trên, hiệu trưởng nghiên cứu kỹ, công khai văn bản này trong các cuộc họp. Ai cũng biết hiệu trưởng thực hiện thu theo đúng hướng dẫn thì còn kiện cáo mà làm gì.
6. Công khai mục đích thu - chi
Thu – chi vào việc gì, trên lĩnh vực nào, bao nhiêu kinh phí (trong đó huy động từ phụ huynh như thế nào)..., nếu mọi thành viên của nhà trường và tất cả phụ huynh của trường đều được thông tin đầy đủ, chính xác sẽ giải tỏa được những thông tin xấu do vô tình và có thể cả do cố ý.
7. Quan tâm tới học sinh khó khăn
Thông qua giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, cán bộ phụ trách Đoàn – Đội mà hiệu trưởng nắm rõ hoàn cảnh của học sinh để thực hiện miễn, giảm các khoản thu. Đồng thời, vận động các nhà tài trợ, thầy cô giáo đóng góp quỹ khuyến học giúp học sinh nghèo vượt khó như mua sắm sách, vở, bảo hiểm và bữa ăn trưa miễn phí. Làm tốt điều này, học sinh và phụ huynh (không khó khăn) chẳng nề hà việc đóng góp.
8. Hiệu trưởng thực hiện quy trình thu như sau
Xin chủ trương - dự thảo kế hoạch – thông qua nội bộ - quán triệt với giáo viên chủ nhiệm – họp toàn thể phụ huynh theo đơn vị lớp – cuộc họp toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp – báo cáo về cấp trên – triển khai.
Thật ra khó có sự đồng thuận tuyệt đối, vì thế giáo viên chủ nhiệm có vai trò quan trọng trong việc vận động phụ huynh. Tuy vậy, một hai phụ huynh kiên quyết không đóng, nhà trường không nên gây áp lực mà vui vẻ tôn trọng sự lựa chọn đó, tuyệt đối không có thái độ phân biệt đối xử và càng không nên "bêu tên" những học sinh này.
9. Sự gương mẫu của hiệu trưởng
Hiệu trưởng cần tự trọng, liêm chính, tôn trọng lợi ích của tập thể; không vướng víu với ... “hoa hồng”. Điều này quan trọng lắm, bởi không tin vào minh bạch của hiệu trưởng thì từ giáo viên đến phụ huynh luôn nghi ngại, gây trở ngại công tác thu. Các cuộc họp trong năm học hiệu trưởng hạn chế tổ chức liên hoan, nếu cần thiết thì thật tiết kiệm.
10. Thực hiện tốt công tác phối hợp
Nhà trường phối hợp tốt với chính quyền, đoàn thể tại địa phương trường tọa lạc,với các vị lão thành, chức sắc tôn giáo. Khi họ hiểu, với uy tín và điều kiện sẵn có, những tiếng nói của họ giúp nhà trường không gặp khó trong công tác thu đầu năm.