Theo kết của nghiên cứu mà Tổ chức Phi chính phủ quốc tế Oxfarm công bố ngày 2/12, 10% nhóm người giàu nhất thế giới xả ra môi trường 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính gây biến đổi khí hậu.

{keywords}

Khói mù bao trùm, che khuất tầm nhìn ở thủ đô Bắc Kinh ngày 1/12.

Về tiêu thụ các nhiên liệu hóa thạch, trung bình một người trong nhóm 1% những người giàu nhất thế giới xả ra môi trường một lượng carbon cao gấp 175 lần một người thuộc nhóm 10% những người nghèo nhất thế giới. Oxfarm cho rằng những phân tích này cho thấy việc quy phần lớn trách nhiệm gây ra biến đổi khí hậu cho người dân ở các quốc gia đang phát triển là điều không thực tế.

Tim Gorse, giám đốc chính sách khí hậu của Oxfarm, cho rằng nhóm những người giàu xả lượng khí thải cao ra môi trường cần phải thực hiện trách nhiệm của mình bất kể họ ở quốc gia nào. Ông này cũng cho rằng các quốc gia đang phát triển có tỷ lệ dân số nghèo vẫn còn cao, vì vậy họ cần được phép thực hiện một mức cam kết công bằng và các quốc gia giàu có cần phải đi đầu trong việc cắt giảm lượng khí thải gây biến đổi khí hậu.

Các số liệu được Oxfarm công bố trong khi đại diện 195 quốc gia trên thế giới đang tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra ở Paris (Pháp). Hiện các vấn đề nổi cộm nhất trong hội nghị lần này vẫn là việc phân chia trách nhiệm cắt giảm lượng khí thải nhà kính giữa các quốc gia và hỗ trợ các quốc gia dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu.

Các quốc gia đang phát triển cho rằng những nước giàu có cần phải nhận phần trách nhiệm nhiều hơn vì đã bắt đầu quá trình xả thải ra môi trường sớm hơn rất nhiều. Đồng thời nhóm này cũng yêu cầu được hỗ trợ tài chính để chuyển đổi sang sử dụng nguồn nhiên liệu tái tạo, tăng cường các biện pháp ứng phó với hậu quả của tình trạng nóng lên trên toàn cầu như mực nước biển dâng, hạn hán, siêu bão và để khắc phục thiệt hại từ những thảm họa không thể tránh khỏi.

Trong khi đó, nhiều quốc gia giàu có, đứng đầu là Mỹ, phủ nhận lập luận trên và chỉ ra các nguy cơ xả thải khổng lồ từ các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Trung Quốc. Đây là những tồn tại gây cản trở suốt 25 năm qua kể từ khi Liên hợp quốc tổ chức các hội nghị nhằm đi tìm giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu.

Theo TTXVN