Tại Ninh Bình, theo dự báo của Sở Y tế tỉnh khối lượng chất thải rắn trong y tế ngày càng tăng lên. Dự báo từ nay tới năm 2030 chất thải rắn y tế có thể lên tới 10,4 tấn/ngày. Trong đó, lượng chất thải rắn phát sinh lớn nhất tại thành phố Ninh Bình nơi có các bệnh viện quy mô lớn. Tại các huyện, lượng rác thải y tế phát sinh ít, dự báo tới năm 2030 chất thải rắn y tế ở các huyện sẽ không tăng do quy mô giường bệnh không thay đổi.
Trong kế hoạch quản lý chất thải rắn chung trên địa bàn tỉnh, đến nay 100% rác thải rắn y tế bao gồm nguy hại và không nguy hại đã được thu gom và xử lý theo đúng quy định. Hầu hết các bệnh viện, trung tâm y tế của tỉnh Ninh Bình đều đã được đầu tư, xây dựng hệ thống xử lý rác thải y tế theo quy định.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình, hiện nay toàn bộ rác rải y tế tại thành phố được xử lý xử lý bằng lò đốt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình và Bệnh viện Sản Nhi.
Đối với Trung tâm y tế thành phố và 14 trạm y tế tại các xã, phường thì ký hợp đồng xử lý chất thải y tế với Công ty cổ phần, kỹ thuật đầu tư và môi trường ETC để thu gom, xử lý chất thải y tế nguy hại. Nước thải y tế trên địa bàn thành phố cũng được qua hệ thống xử lý trước khi xả thải ra hệ thống thoát nước chung của thành phố.
Bệnh viện sản nhi tỉnh Ninh Bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 600 lượt bệnh nhân, cao điểm có ngày lên tới 900 lượt . Bệnh nhân điều trị nội trú khoảng 700 người. Lượng rác thải y tế 110-120kg/ngày, nước thải khoảng 250 - 300 m3/ngày/đêm. Nguồn rác thải này có khả năng cao nhiễm các loại vi khuẩn, virus nguy hiểm, có thể gây bệnh cho con người và làm ô nhiễm môi trường.
Bác sĩ Nguyễn Trần Phương, Phó Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn cho biết, bệnh viện đã thực hiện phân loại rác thải y tế ngay từ khi phát sinh theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên môi trường. Các chất thải rắn y tế nguy hại đều đảm bảo tuyệt đối không rò rỉ, rơi vãi ra môi trường. Khi rác được thu gom sẽ đưa đi xử lý đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường, không để lây nhiễm chéo.
Rác thải y tế được lưu trữ tại hai khu riêng biệt rác không nguy hại và khu chứa rác thải nguy hại, đảm bảo khoảng cách an toàn với khu khám chữa bệnh. Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình cũng đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải y tế hiện đại ngay tại nơi phát sinh, quy trình hoạt động cho hiệu quả cao.
Từ năm 2019, thực hiện chủ trương giải quyết ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra, bệnh viện đã tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa. Bệnh viện ký cam kết giảm thiểu chất thải nhựa với các nhân viên y tế bệnh viện, các đơn vị sản xuất kinh doanh trong bệnh viện, khuyến khích cộng đồng cùng thay đổi thói quen tiêu dùng và bỏ chất thải nhựa.
Bệnh viện đã tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc sử dụng và thu gom, phân loại chất thải trong toàn viện; đặc biệt là giám sát tại các đơn vị kinh doanh trong bệnh viện, người bệnh và người nhà người bệnh.
Theo quan điểm của UBND tỉnh trong Kế hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn, đây là nhiệm vụ ưu tiên của công tác bảo vệ môi trường, góp phần kiểm soát ô nhiễm, hướng tới phát triển đô thị bền vững.
Quản lý chất thải rắn lấy phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh và phân loại chất thải tại nguồn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm khối lượng chất thải phải chôn lấp. Ninh Bình phấn đấu đến năm 2030 tất cả các loại chất thải rắn phát sinh đều dược thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, hạn chế việc chôn lấp chất thải rắn ở mức thấp nhất.