Tháng 10/2023, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã phát hiện hành vi xả chất thải y tế ra môi trường và tự đốt tại bờ sông Sài Gòn khu vực khu tái định cư An Sơn, TP.Thuận An. Các loại chất thải y tế bao gồm giấy tờ hóa đơn, các lọ thủy tinh đã cháy dở. Trên các giấy tờ ghi hóa đơn của Phòng khám đa khoa Nguyễn Trãi tại TP. Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương).
Theo ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, đây là sự cố môi trường y tế nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh. Chất thải y tế nguy hại có thể gây ô nhiễm, dịch bệnh.
Ngày sau đó, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Thanh tra Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường và phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh Bình Dương, Công an TP Thủ Dầu Một đã tổ chức kiểm tra, làm việc với Phòng khám Đa khoa Nguyễn Trãi - Thủ Dầu Một đã làm việc với phòng khám. Tuy nhiên, theo đại diện phòng khám việc xử lý chất thải y tế đều ký hợp đồng với một công ty trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và tiếp tục xác minh về hành vi xả chất thải y tế nguy hại ra môi trường.
Tại Bình Dương, hệ thống y tế bao gồm 114 cơ sở công lập bao gồm bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện và các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, Bình Dương có gần 700 cơ sở y tế tư nhân hoạt động trên địa bàn.
Theo báo cáo kế hoạch bảo vệ môi trường ngành y tế tỉnh Bình Dương, tổng khối lượng chất thải y tế nguy hại (bao gồm chất thải y tế nguy hại dạng rắn và dạng lỏng) phát sinh từ các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 614 tấn bao gồm chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm.
Nhận thức rõ vai trò của quản lý chất thải y tế phát sinh từ cơ sở y tế, Sở Y tế tỉnh Bình Dương thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở y tế thực hiện nghiêm quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế đặc biệt chất thải nguy hại. Đến nay, tại Bình Dương tỷ lệ chất thải nguy hại và chất thải y tế được thu gom, xử lý và tiêu hủy đạt 100%.
Chất thải y tế nguy hại phát sinh từ các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh được các cơ sở y tế phân định, phân loại thành từng nhóm riêng biệt, lưu chứa trong các bao bì hoặc thùng chứa theo quy định.
Theo đó, đối với các cơ sở y tế công lập hiện các cơ sở này đã hợp đồng với Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương để thu gom, vận chuyển về Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương xử lý trong lò đốt chất thải y tế do nhà nước đầu tư.
Còn cơ sở y tế dân lập tự hợp đồng với các đơn vị đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại trong đó có chức năng xử lý chất thải y tế đóng trên địa bàn tỉnh hoặc các tỉnh lân cận để thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương giao nhiệm vụ cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động và công tác phân loại, thu gom, lưu chứa và chuyển giao xử lý chất thải y tế nguy hại, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật nếu có. Các cơ quan chức năng phối hợp với cơ sở y tế đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Thực hiện Chỉ thị 08 của Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã ra văn bản yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện các chủ trương giảm thiểu chất thải nhựa. Sở đề nghị các cơ sở y tế tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống. Cán bộ, công nhân viên chức trong ngành tăng cường sử dụng các vật dụng sinh hoạt, các vật dụng vật tư bằng chất liệu dùng nhiều lần, không dùng nhựa một lần.
Trong bệnh viện tuyên truyền cho người bệnh và người nhà hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân hủy. Bình Dương phấn đấu tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và nylon khó phân hủy trong đơn vị…
Khánh Chi