Tích cực triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai thực hiện, việc thanh toán không dùng tiền mặt ở các khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. 

Tại xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, đại diện lãnh đạo UBND xã cho biết: Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn, UBND xã đã phối hợp với các tổ chức tín dụng mở tài khoản giao dịch cho người dân nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện thanh toán các lệ phí khi giao dịch tại Bộ phận một cửa của xã, cũng như thanh toán các loại hàng hóa, dịch vụ khi mua sắm. Từ đó, góp phần thay đổi thói quen thanh toán truyền thống của người dân, đặc biệt là trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.

W-tienmat.png

Đến nay, nhiều người dân địa phương đã thực hiện gửi hồ sơ qua mạng và thanh toán lệ phí giao dịch không dùng tiền mặt; 100% cửa hàng trên địa bàn xã đã cho phép người dân thanh toán bằng hình thức chuyển khoản hoặc quét mã VN-PAY, QR Code; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở nên có tài khoản ngân hàng điện tử đạt hơn 70%. Kết quả đạt được sẽ góp phần đẩy nhanh mục tiêu hướng tới xây dựng mô hình thôn thông minh trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của địa phương thời gian tới.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, miền núi vẫn là bài toán khó. Ngoài việc thiếu điện thoại thông minh có kết nối Internet để sử dụng các dịch vụ tiện ích của ngân hàng nói riêng cũng như các dịch vụ số nói chung, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhiều người dân khu vực này chưa mặn mà với thanh toán không dùng tiền mặt là do thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu và vẫn khá phổ biến. Người dân còn có tâm lý e ngại tiếp cận công nghệ mới trong thanh toán điện tử, ngân hàng, sợ rủi ro, mất an toàn trong sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
 
Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng đạt trên 80%, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành Ngân hàng, chính quyền các địa phương tiếp mở rộng hạ tầng số đến với người dân; tăng cường tuyên truyền về tiện ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Cùng với đó, nghiên cứu triển khai, từng bước mở rộng hoạt động đại lý thanh toán; mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động ở khu vực nông thôn gắn với việc triển khai dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, đưa dịch vụ tài chính - ngân hàng đến gần hơn với người dân nông thôn, miền núi.

Số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20%-25% hàng năm

Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được quy định tại Quyết định 149/QĐ-TTg.

Theo đó, tài chính toàn diện là việc mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững, trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ.

Phạm vi của Chiến lược hướng tới việc phổ cập các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản do các tổ chức được cấp phép cung ứng, bao gồm: thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm.

Đối tượng của Chiến lược là tất cả mọi người dân và doanh nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng tới nhóm đối tượng mục tiêu là những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính như: người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác; doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh.

Mục tiêu tổng quát của chiến lược là mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững.

Phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt được một số chỉ tiêu cụ thể: Ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính; ít nhất 25%-30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng; số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20%-25% hàng năm; ít nhất 250.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ tại các tổ chức tín dụng; dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 25%; doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP là 3,5%.

Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: Hoàn thiện khôn khổ pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện; phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản một cách thuận tiện, chi phí hợp lý; phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện; hoàn thiện và tăng hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng tài chính, tạo điều kiện giảm phí giao dịch, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy tài chính toàn diện…

Ngọc Diệp và nhóm PV, BTV