Trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược tài chính quốc gia đến năm 2025, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin, hướng dẫn về các hình thức thanh toán; đa dạng hóa và gia tăng tiện ích các dịch vụ thanh toán bảo đảm an toàn, nhanh chóng, bảo mật thông tin.
Đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã lắp đặt gần 240 máy ATM; hơn 890 POS được lắp đặt tại các cơ sở kinh doanh, siêu thị, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở y tế,… đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán không sử dụng tiền mặt.
Tỷ lệ thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt của tỉnh đạt gần 82%; thanh toán tiền nước đạt hơn 83%; trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức qua hệ thống ngân hàng đạt 100%; 100% các cơ sở giáo dục đều thực hiện thu các khoản không dùng tiền mặt… Đáng mừng, tại khu vực nông thôn, miền núi nhiều người dân đã dần thay đổi thói quen, chủ động sử dụng các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt.
Nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người dân khu vực nông thôn, miền núi, các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã chủ động phát triển thêm tài khoản thẻ; phối hợp với các đơn vị: Điện lực, bảo hiểm, các trường học, các cửa hàng, siêu thị thực phẩm, đồ dùng thiết yếu… đưa hình thức thanh toán qua mã QR, máy POS vào giao dịch, từng bước giúp khách hàng tiếp cận, làm quen với thanh toán trực tuyến thay vì dùng tiền mặt.
Vào cuộc cùng ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc, thời gian qua, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích thanh toán điện tử trong việc thu, nộp thuế; giao dịch thương mại điện tử; thu phí, lệ phí, thủ tục hành chính; thanh toán cước, phí cho các dịch vụ thường xuyên, định kỳ, như: Điện, nước, điện thoại, Internet, truyền hình cáp... Đặc biệt, tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã đã triển khai dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt theo hình thức quét mã QR code để phục vụ người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính, nhất là liên quan đến lĩnh vực đất đai.
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn các cấp cơ sở, UBND nhiều xã đã chủ đông jphối hợp với các tổ chức tín dụng mở tài khoản giao dịch cho người dân nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện thanh toán các lệ phí khi giao dịch tại Bộ phận một cửa của xã, cũng như thanh toán các loại hàng hóa, dịch vụ khi mua sắm. Từ đó, góp phần thay đổi thói quen thanh toán truyền thống của người dân, đặc biệt là trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.
Đến nay, nhiều người dân địa phương đã thực hiện gửi hồ sơ qua mạng và thanh toán lệ phí giao dịch không dùng tiền mặt; cửa hàng trên địa bàn xã cũng hình thành thói quen nhận thanh toán bằng chuyển khoản hoặc quét mã VN-PAY, QR Code.
Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, bên cạnh kết quả đạt được, việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, miền núi vẫn là bài toán khó.
Ngoài việc thiếu điện thoại thông minh có kết nối Internet để sử dụng các dịch vụ tiện ích của ngân hàng nói riêng cũng như các dịch vụ số nói chung, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhiều người dân khu vực này chưa mặn mà với thanh toán không dùng tiền mặt là do thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu và vẫn khá phổ biến. Người dân còn có tâm lý e ngại tiếp cận công nghệ mới trong thanh toán điện tử, ngân hàng, sợ rủi ro, mất an toàn trong sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng đạt trên 80%, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành Ngân hàng, chính quyền các địa phương tiếp mở rộng hạ tầng số đến với người dân; tăng cường tuyên truyền về tiện ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Cùng với đó, nghiên cứu triển khai, từng bước mở rộng hoạt động đại lý thanh toán; mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động ở khu vực nông thôn gắn với việc triển khai dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, đưa dịch vụ tài chính - ngân hàng đến gần hơn với người dân nông thôn, miền núi.