UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao Sở Du lịch phối hợp với Sở TT&TT và các đơn vị liên quan triển khai mạng lưới cấp phát thẻ điện tử cho khách du lịch (Ảnh minh họa: dulich24.com.vn). |
Kế hoạch triển khai nền tảng Hue-S liên thông với các hệ thống phổ biến trong thanh toán không dùng tiền mặt năm 2021 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm xây dựng và hình thành thói quen, văn hóa trong giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt với mục tiêu thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số hướng đến xã hội số của tỉnh.
Bên cạnh mục tiêu 100% cơ sở giáo dục triển khai thu nộp học phí và các khoản thu, nộp khác trên nền tảng Hue-S, kế hoạch mới của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề ra hàng loạt mục tiêu đầy tham vọng khác như: 100% cán bộ, công chức, viên chức triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Hue-S trong các dịch vụ phổ biến như: thanh toán tiền điện, nước, dịch vụ viễn thông, đóng nộp các quỹ của đơn vị.
Cùng với đó, 100% đơn vị khám, chữa bệnh tuyến tỉnh chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt và khuyến khích các đơn vị còn lại; 100% Trung tâm Hành chính công cấp huyện, bộ phận Một cửa hiện đại cấp xã đảm bảo điều kiện hạ tầng phục vụ thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công không dùng tiền mặt.
Kế hoạch cũng kỳ vọng trong năm 2021 tối thiểu 50% giao dịch thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công thực hiện qua Hue-S hoặc dịch vụ thanh toán trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, các Trung tâm Hành chính công cấp huyện, bộ phận một cửa hiện đại cấp xã; 100% các điểm tham quan, di tích tại tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai hệ thống vé điện tử.
Đồng thời, phấn đấu 100% dịch vụ taxi, xe bus triển khai hệ thống thanh toán vé, phí qua hình thức QR hoặc quẹt thẻ điện tử; 100% các cơ sở lưu trú triển khai hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt; tổ chức phổ biến triển khai thẻ du lịch điện tử.
Cũng theo kế hoạch, năm nay, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% cơ sở kinh doanh và phấn đấu 45% các cơ sở kinh doanh trên địa bàn triển khai hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt trong việc cung cấp dịch vụ hàng hóa; hỗ trợ công cụ cho các cơ sở kinh doanh bán lẻ, tiểu thương tại chợ tiếp cận nền tảng thanh toán QR và chủ động trong việc ứng dụng...
Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ phối hợp với các tổ chức ngân hàng, tài chính, các doanh nghiệp ví điện tử tích hợp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên Hue-S. Hình thành công cụ thanh toán trung gian có khả năng liên kết với dịch vụ trực tuyến của các tổ chức ngân hàng và liên kết tài khoản đảm bảo thuận tiện trong việc sử dụng.
Bên cạnh đó, sẽ tích hợp hệ thống EKYC trong việc đăng ký mở tài khoản ngân hàng trực tuyến tạo thuận lợi cho việc đăng ký của người dân. Xây dựng công cụ hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và các tiểu thương chủ động quản lý dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua hình thức QR.
Việc xây dựng công cụ thanh toán dịch vụ giao thông qua hình thức quét QR hoặc chạm thẻ, tích hợp trên Hue-S và hỗ trợ cho các đơn vị cung cấp dịch vụ giao thông triển khai hệ thống cũng là nhiệm vụ sẽ được tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện thời gian tới.
Các nhiệm vụ khác cũng được Thừa Thiên Huế thực hiện thời gian tới như cấp phát thẻ điện tử cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước để triển khai nền tảng thanh toán trên Hue-S; triển khai hệ thống vé điện tử liên thông với các hệ thống của các ngân hàng, tổ chức tài chính áp dụng thống nhất tại các cơ sở tham quan, du lịch có bán vé của tỉnh...
Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế là cơ quan được UBND tỉnh giao chủ trì kết nối với các ngành thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch và định kỳ báo cáo kết quả.
M.T
Cơ hội nào cho ứng dụng thanh toán qua mạng xã hội tại Việt Nam?
Thanh toán trên mạng xã hội (Social Payment) có tiềm năng rất lớn, do lượng người dùng áp đảo tại Việt Nam. Tuy nhiên để thu hút lượng người dùng này trong bối cảnh hiện nay không hề dễ dàng.