Hoàng Quốc Trung (2001), hiện đang là sinh viên năm cuối, khoa tiếng Trung Quốc, Trường ĐH Hà Nội. Ngoài việc được biết tới là “thầy giáo” của những lớp dạy tiếng Trung online, cậu còn là “gương mặt thân quen” trong các bản tin tiếng Trung của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.
Tự tin dẫn trước ống kính máy quay, nhưng ít ai biết, trước đó, Trung từng là người nhút nhát đến mức “đứng lên phát biểu cũng run bần bật”.
Bạo lực tinh thần, thể xác bủa vây
Sinh ra trong gia đình có bố mẹ không mấy hòa thuận, Trung nói, cuộc sống của mình những năm đầu cấp 2 “chẳng mấy bình yên”.
“Mỗi buổi sáng thức dậy, mỗi buổi chiều nấu cơm trong bếp hay mỗi buổi tối trước khi đi vào giấc ngủ đều thường xuyên diễn ra trong khung cảnh bố mẹ cãi nhau, đôi khi chỉ vì những vấn đề nhỏ nhặt như tiền bạc, cũng đem lại cho em áp lực rất lớn.
Cùng thời điểm đó, em lại là nạn nhân của bạo lực học đường. Bố mẹ đi làm từ sớm tới tối muộn, bạn bè xung quanh không ai dám ra mặt giúp đỡ, em không biết phải tâm sự với ai. Em dần thu mình lại, cam chịu vì không biết làm thế nào để vượt qua sự bất lực đó”.
Sống trong cảm xúc tiêu cực suốt một khoảng thời gian dài, Trung dần trở nên nhạy cảm hơn với những lời đánh giá và nhận xét của những người xung quanh.
“Em luôn so sánh điểm yếu của mình với điểm tích cực của người khác và cảm thấy mình thua kém về mọi mặt. Lâu dần, em chỉ thấy những điểm tiêu cực của bản thân.
Chính vì vậy, mỗi khi đối diện với một cơ hội quan trọng, trong đầu em lại văng vẳng lên câu nói “mày sẽ không làm được đâu” thuyết phục em từ bỏ, rồi em lắc đầu và thu mình trong sự dằn vặt.
Không ngừng dấn thân và trải nghiệm
Cảm thấy “liên tục trượt dài” trong vòng lặp của sự tự ti quá dài và quá sâu, Trung cảm thấy hoảng sợ. Em quyết tâm phải thay đổi, mà trước hết bắt đầu từ thế mạnh của mình, đó là học và sử dụng ngoại ngữ.
Trung nhận ra trước nay, dù rất chăm chỉ nhưng bản thân vẫn không thể nghe nói thành thạo giống như người bạn của mình – chủ yếu ngồi xem phim Trung nhưng kỹ năng nghe nói rất tốt. Cậu cũng thấy rằng, điều quan trọng của việc học ngoại ngữ là phải tạo ra môi trường để “đắm chìm trong ngôn ngữ ấy”.
Vì vậy, Trung bắt đầu lên kế hoạch gắn mọi thói quen hàng ngày với các nội dung bằng tiếng Trung và tiếng Anh.
“Em bắt đầu xem phim, nghe podcast hàng ngày bằng tiếng Trung; luyện nói một mình khi chạy bộ; viết nhật ký bằng ngoại ngữ; dành thời gian đi tour tối thiểu 1 lần/ tuần; tham gia một số cuộc thi như Tranh biện tiếng Hoa;…
Nhờ vậy, em không cần phải sắp xếp thời gian biểu dành riêng cho việc học ngoại ngữ mà vẫn có thể học và sử dụng gần như toàn bộ thời gian trong ngày”.
Với những kinh nghiệm tích lũy được, tháng 7/2021, Trung quyết định lập ra kênh Người Tích lũy. Đây là nơi cậu bắt đầu tập viết lách, chia sẻ về phương pháp học ngoại ngữ, nghề biên phiên dịch, thói quen tích cực và năng suất làm việc,… Dự án đã biến Trung từ một người luôn nhút nhát, tự ti về bản thân thành một người dũng cảm và mạnh dạn chia sẻ giá trị tới mọi người xung quanh.
Ngoài ra, Trung còn mở các lớp dạy tiếng Trung miễn phí. Cậu cho rằng, dạy học cũng là cách để tự dạy. Học viên của lớp có độ tuổi trải dài từ những em học sinh cấp hai cho đến những người đi làm đã ngoài 40 tuổi.
"Dạy nhiều đối tượng như vậy đòi hỏi sự kiên nhẫn, khả năng lắng nghe, giao tiếp và truyền đạt. Sau một thời gian đi dạy, em nhận ra bản thân có sự thay đổi tích cực là trưởng thành, tự tin hơn, biết cách sắp xếp công việc một cách hiệu quả" Trung chia sẻ.
Hiện tại, các lớp học online của Trung vẫn đang diễn ra hàng tuần, với số lượng từ 6-8 học viên mỗi lớp.
Một dấu mốc được Trung xem là bước ngoặt khiến bản thân “thay đổi mạnh mẽ” là khi cậu nghe tin Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đang tuyển MC cho bản tin tiếng Trung.
Trung xem đây là cơ hội tốt để thử thách và tôi luyện bản thân, vì vậy đã thử tham gia ứng tuyển.
Tuy nhiên khi ấy, cậu đã bị từ chối vì kỹ năng chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của Đài.
Thất vọng nhưng không nhụt chí, Trung đã dành ra 4 tháng ròng để tự luyện đọc, luyện cách nhả chữ, cải thiện chất giọng và phong thái dẫn.
Lần thứ hai ứng tuyển lại, Trung được người phụ trách đồng ý cho dẫn thử. Nắm bắt cơ hội này, trong vòng 1 tháng, cậu liên tục xin lên Đài để luyện đọc và tập dẫn trước máy quay. Các kỹ năng đã thuần thục hơn, nhưng Trung tiếp tục bị từ chối vì thân hình chưa phù hợp với việc làm MC cho chương trình.
Không chịu từ bỏ, Trung lại cố gắng ăn, thay đổi kiểu tóc và cách ăn mặc. Cậu sau đó đã tăng 5kg chỉ sau vỏn vẹn 1 tháng. Đó cũng là lúc khao khát được vào Đài làm việc của Trung được thực hiện.
Từ một người luôn cảm thấy sợ hãi khi phải đứng trước đám đông, giờ đây, Trung có thể tự tin dẫn bản tin thời sự mà không còn “run bần bật” trước ống kính máy quay.
Mới đây, Trung còn được mời làm diễn giả cho chương trình TEDxHANU để truyền đi thông điệp “Vượt qua mặc cảm tự ti”.
“Đối với một người cứ lên sân khấu lại run bần bật như em, đây là một điều không tưởng”, Trung chia sẻ.
Để tạo ra sự thay đổi này, Trung nói, bản thân đã phải chăm chỉ và nỗ lực không ngừng nghỉ.
Cũng nhờ vậy, cậu nhận ra rằng, mỗi người đều mang những thế mạnh và sứ mệnh riêng. Điều cần làm là không ngừng dấn thân và trải nghiệm để hoàn thiện mình mỗi ngày”.
Huyền My