Hai chiến lược trên được xác định là “chìa khoá” giúp Petrovietnam thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng, đạt tỉ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp...

Mới đây, ông Lê Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đã trình bày tham luận tại lễ khai mạc sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Techconnect and Innovation Viet Nam 2023. Theo ông Sơn, đổi mới công nghệ và chuyển dịch năng lượng không chỉ là những yêu cầu bắt buộc, mà còn là những cơ hội cho các công ty dầu khí tồn tại và phát triển trong môi trường thay đổi và đầy thách thức ngày nay.

petrovietnam tang truong 2.jpg
Ông Lê Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam trình bày tham luận. Ảnh: Petrotimes

Yêu cầu cấp thiết để giảm thiểu tác động môi trường

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã hình thành nên một thời đại số, với nền kinh tế số và xã hội số. Khoa học-công nghệ phát triển, hành vi khách hàng thay đổi liên tục và thời gian phát sinh nhu cầu mới ngày một ngắn lại, đặc biệt từ sau đại dịch Covid-19, khiến cho việc cạnh tranh trên thị trường khốc liệt hơn bao giờ hết.

Các doanh nghiệp đứng trước thách thức, nhiệm vụ tìm ra chiến lược đột phá, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo để chiếm lĩnh thị trường và thích ứng nhanh chóng với môi trường kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới.

Trên thế giới có không ít công ty đầu ngành, dù đã làm tốt công tác quản trị nhưng vẫn đánh mất vị thế dẫn đầu thị trường khi phải đối mặt với các thay đổi mang tính đột phá trong kinh doanh.

Bên cạnh đó, thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn về biến đổi khí hậu do tác động tiêu cực của việc sử dụng năng lượng hóa thạch. 

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế năm 2023, nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng 4% so với năm 2019, nhưng năng lượng hóa thạch chỉ đáp ứng được 55% nhu cầu, trong khi năng lượng tái tạo và hạt nhân sẽ chiếm 45%. 

Ông Lê Ngọc Sơn nhận định, các công ty dầu khí sẽ phải đối mặt với sự suy giảm nguồn cung, sự giảm giá dầu mỏ và sự gia tăng áp lực để giảm thiểu tác động môi trường.

"Trong bối cảnh đó, các công ty dầu khí trên thế giới đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ để thích ứng và phát triển bền vững, đó là tập trung vào hai giải pháp chính là đổi mới công nghệ và chuyển dịch năng lượng", Phó Tổng Giám đốc PetroVietnam cho biết.

petrovietnam tang truong 1.jpg
Ảnh: Petrotimes

Hướng đến phát triển bền vững

Hiện nay, các công ty dầu khí lớn như: BP, Shell, Total, ExxonMobil, Chevron và Saudi Aramco đã cam kết giảm thải khí nhà kính từ 30 - 50% vào năm 2050, tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon. Các công ty này cũng đẩy mạnh đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí, tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Các công ty dầu khí quốc gia, ở các nước đang phát triển, tuy không có đủ nguồn lực, năng lực và cơ hội như các công ty quốc tế nhưng vẫn thành công trong mô hình này. Ví dụ điển hình là Petrobras, Công ty Dầu khí Quốc doanh của Brazil đã đầu tư nghiên cứu vào công nghệ tiên tiến, khai thác dầu ở vùng biển sâu và siêu sâu. Đơn vị này đồng thời đa dạng danh mục năng lượng với khí tự nhiên, nhiên liệu sinh học, năng lượng tái tạo với mục tiêu giảm khí nhà kính 25% vào năm 2030.

Nằm trong xu thế chung, Petrovietnam phấn đấu đạt tỉ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15 - 20% vào năm 2030 và 25 - 30% vào năm 2045; Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng đạt 15% năm 2030 và 20% năm 2045; Năng lực nhập khẩu LNG đạt 8 tỷ m3 năm 2030 và 15 tỷ m3 năm 2045, ...

petrovietnam tang truong 3.jpg
Ảnh: Petrotimes

Để thực hiện được các mục tiêu này, PetroVietnam đã và đang xây dựng chiến lược tổng thể phát triển bền vững đến năm 2045, trong đó chú trọng vào đổi mới công nghệ và chuyển dịch năng lượng, với một số nhiệm vụ, giải pháp chính như: Tăng cường triển khai công tác thăm dò khai thác và phát triển mỏ nhằm tận dụng được lợi thế về thời gian để tận thu tối đa nguồn năng lượng hóa thạch.

Tập đoàn cũng tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển liên kết bền vững, kết nối các lĩnh vực/đơn vị thành viên, tận dụng thế mạnh về năng lực, công nghệ và hạ tầng của PetroVietnam và các đơn vị thành viên để triển khai một cách hiệu quả các dự án chuyển dịch năng lượng, đem lại hiệu quả cho cả chuỗi, nâng cao nội lực PetroVietnam, phục vụ phát triển ngành năng lượng.

PetroVietnam định hướng sử dụng hiệu quả Quỹ phát triển khoa học công nghệ nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, sự phát triển về công nghệ và ứng dụng thực tiễn của các dạng năng lượng mới/ năng lượng sạch, áp dụng chuyển đổi số trong quy trình sản xuất để cải thiện hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí nhằm đạt được mục tiêu về giảm phát thải môi trường.

Đa dạng hóa hoạt động kinh doanh thông qua đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng sạch như: phát triển năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió ngoài khơi, phát triển nhiên liệu sạch hydro/ammonia, phát triển công nghệ thu hồi, vận chuyển, lưu trữ và sử dụng carbon; Xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ cao, nắm bắt được xu thế chuyển dịch năng lượng, có chuyên môn, có khả năng dẫn dắt, định hướng, triển khai các dự án về chuyển dịch năng lượng.

Ngoài một số giải pháp trên, PetroVietnam cũng đã và đang tập trung vào việc nâng cao năng lực quản trị và quản lý doanh nghiệp, quản trị biến động, quản trị rủi ro, đảm bảo hoàn thành kế hoạch dài hạn gắn liền với mục tiêu và cam kết quốc gia về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Ngọc Minh