- Giải 200.000 USD chống ùn tắc giao thông của Hà Nội là ý tưởng rất hay nhưng nên mở rộng ra cho toàn dân tham gia, thay vì chỉ có các công ty tư vấn, nhà thơ Trần Đăng Khoa tâm tư với Góc nhìn thẳng.
Sau những công bố về dự thảo một đề án hạn chế phương tiện cá nhân nhằm chống ùn tắc giao thông năm 2016 thì tuần qua, Sở GTVT Hà Nội lại gây sốt dư luận với việc treo thưởng cao nhất 200.000 USD cho cuộc thi hiến kế chống ùn tắc giao thông.
Điều đáng nói là thời hạn nộp hồ sơ chỉ cách ngày công bố 1 tuần (công bố ngày 12/1, nộp hồ sơ ngày 19-23/1). Liệu cuộc thi có phần gấp gáp này có tác dụng thực chất hiệu quả để trị bệnh giao thông của HN?
Chuyên mục Góc nhìn thẳng trao đổi với nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, một người rất quan tâm đến vấn đề giao thông Hà Nội xung quanh cuộc thi này.
Theo dõi cuộc trò chuyện tại video sau:
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, tổ chức thi hiến kế ý tưởng chống ùn tắc giao thông như cách Hà Nội đang làm có phải là cách hay?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi cho rằng, đây không phải chỉ là cách làm hay mà là rất hay. Điều đó chứng tỏ, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã tận dụng trí tuệ của nhân dân trong việc giải quyết trước mắt và nan giải là nạn ách tắc giao thông.
Tôi nghĩ rằng, nếu như Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng như các cơ quan chức năng biết nghe tiếng nói của nhân dân, nhất là trong đó, có đội ngũ tri thức, đội ngũ chuyên gia ở trong dân thì tôi có thể nói rằng, chúng ta sẽ tránh được nhiều những sơ suất đáng tiếc.
Chắc chắn, khi đó, chúng ta sẽ không có những loại dự án vô cùng tốn kém, băm nát cảnh quan của đô thị Hà Nội. Tôi có thể nói thằng, hiệu quả của những dự án đó sẽ không thể giải quyết ngay được vấn nạn ách tắc giao thông.
Vì vậy, tôi đánh giá cao Sở Giao thông vận tải Hà Nội trong việc biết lắng nghe ý kiến của nhân dân.
Nhà báo Phạm Huyền: Tuy nhiên, thời gian tổ chức cuộc thi quá gấp, nộp hồ sơ chỉ cách ngày công bố 1 tuần. Nhiều người lo ngại cuộc thi mang tính hình thức. Một việc hệ trọng như vậy nhưng lại tổ chức gấp áp, ông nghĩ sao?
Nhà thờ Trần Đăng Khoa: Tôi nghĩ đúng là có sự gấp gáp. Nhưng vấn đề ở đây, không hẳn là sự gấp gáp. Việc giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội vốn là suy nghĩ thường trực của nhân dân, ai cũng đều nghĩ đến nó.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam nói về cuộc thi hiến kế chồng ùn tắc giao thông Hà Nội với Góc nhìn thẳng |
Trong vòng 1 tuần, thời gian ngắn, đó là thời gian để họ phát biểu và trình bày ý tưởng của họ. Chứ tôi nghĩ, về vấn đề này, họ đã nghĩ tới mấy năm, thậm chí là hàng chục năm.
Ngay bản thân tôi, tôi cũng đã bàn tới vấn đề này đến cả chục năm nay rồi.
Thời gian thì rất gấp gáp, nhưng tôi nghĩ, nếu chưa đạt hiệu quả thì tôi nghĩ, có thể nới rộng nó ra. Giống như là các cuộc thi khác vậy, nhưng tất nhiên, đây không phải là cuộc thi về văn học, về lĩnh vực bình thường nào đó, mà là cuộc thi về ý tưởng tổ chức giao thông chống ùn tắc.
Do vậy, đây là vấn đề cực kỳ quan trọng và cấp thiết. Vì thế, nếu cần, tôi nghĩ rằng, Sở Giao thông vận tải có thể sẽ nới rộng ra và điều đó sẽ rất tốt.
Nhà báo Phạm Huyền: Có lẽ, khi nghe tới một cuộc thi về ý tưởng, có khi cả tôi và ông đều rất muốn tham gia, nhưng rất tiếc, chúng ta không phải là một công ty tư vấn.
Đây không phải là đấu thầu dự án mà là cuộc thi ý tưởng. Việc chỉ cho tổ chức chứ không phải cá nhân tham gia liệu có hợp lý?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi có thể nói rằng, chúng ta dành cuộc thi này cho các cơ quan tư vấn là đúng rồi, vì họ có đủ tư cách pháp nhân nhất về vấn đề này. Hơn nữa, họ cũng là những người có năng lực chuyên môn thực sự về vấn đề này.
Tuy nhiên, phải nói rằng, trí tuệ không phải chỉ nằm trong khu vực hạn hẹp đó mà trí tuệ nằm lẫn trong dân. Theo tôi, ta nên mở rộng ra để người dân tham gia đóng góp về vấn đề này.
Ngày xưa, vua Trần trong các sự kiện lớn, còn mở Hội nghị Diên Hồng để nghe tiếng nói của các vị bô lão. Đôi khi, các tiếng nói, đề xuất có hiệu quả nhất lại là nằm ngoài các cơ quan chức năng, vì các cơ quan chức năng cứ giúp mãi rồi mà tại sao, ách tắc cứ ách tắc.
Người tài hiện nay còn nhiều lắm, họ ở trong dân đấy. Cho nên, nghe tiếng nói của họ là cần thiết.
Nhà báo Phạm Huyền: Theo ông, 200.000 USD để trả cho một ý tưởng tốt, liệu có xứng đáng?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: 200.000 USD tương đương khoảng trên 4 tỷ. Nếu như trao số tiền 4 tỷnày cho một ý tưởng và có hiệu quả thật thì 4 tỷ là quá thấp. Thậm chí, 40 tỷ, 400 tỷ cũng là hợp lý thôi, chứ không phải là quá cao nếu như chúng ta giải quyết được ách tắc giao thông.
Thử nhìn lại xem, những việc chúng ta đưa ra để bàn về giải quyết ách tắc giao thông, rồi không làm được, không có hiệu quả gì cả, thậm chí bày ra rồi thu lại thì có tốn kém không?
Thử nhìn xem, tiền chúng ta làm những việc mà không đâu vào đâu ấy, thậm chí còn gấp nhiều lần so với 4,4 tỷ.
Theo tôi, con số đó không phải là cao nếu thu được hiệu quả đích thực nhằm giảm được ách tắc giao thông.
Nhà báo Phạm Huyền: Ông nghĩ việc này có đi đến đâu không hay chỉ thể hiện sự bất lực của ngành giao thông Hà Nội trước vấn nạn ách tắc?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi không nghĩ đây là thể hiện sự bất lực, là thể hiện một điều rất mới là nghe tiếng nói của nhân dân.
Nhưng như tôi được biết, theo dõi cả các đề án mà bạn đọc, nhà chuyên môn đưa ra, tôi đều thấy không hiệu quả, thậm chí, chẳng đâu vào đâu cả.
Ví dụ, việc đưa ra cấm xe máy trong vòng 6 tiếng ở giờ cao điểm. Việc này rất buồn cười. Tại sao lại cấm xe máy trong khi người dân đang cần đi làm bằng xe máy? Hoá ra, chúng ta lại hi sinh anh nghèo để phục vụ cho anh nhà giàu đi ô tô à?
Như tôi đã nói, 4 tỷ là rất thấp, không phải là cao, nhưng theo tôi, hiện nay không thể tìm ra giải thưởng. Cứ như những cái đã công bố và những cái đang tiếp tục xuất hiện nữa thì tôi thấy, có lẽ không thể trao giải được. Bởi vì, trao giải thì cuối cùng, phải trở thành hiện thực chứ, phải đưa vào đời sống, áp dụng được.
Còn cứ bày ra như các cuộc thi khác, rồi lại có giải, kiếm giải, giải rất ất ơ, có khi cái đó lại là phản cảm và rồi lại đắp chiều. Bây giờ, người dân không để yên cho cách làm như vậy đâu.
Theo quan điểm cá nhân của tôi, để giải quyết vấn nạn ách tắc giao thông thì bây giờ chỉ có một con đường duy nhất thôi, không có con đường thứ hai, đó là phải làm hệ thống tàu điện ngầm ở dưới lòng đất.
VietNamNet
Thực hiện: Phạm Huyền
Video: Xuân Quý, Huy Phúc, Bạt Tuấn
Email: gocnhinthang@vietnamnet.vn