Cùng VietNamNet lựa chọn những
sự kiện chính trị nổi bật của năm 2013.
1. Sửa Hiến pháp
Trải dài suốt gần trọn một năm, sửa Hiến pháp là sự kiện lớn nhất, với kỳ vọng,
bản Hiến pháp sửa đổi sẽ đặt nền tảng cho một giai đoạn phát triển mới của đất
nước hiện đang đứng trước áp lực cần có sức bật mạnh mẽ sau chặng đường hơn 20
năm đổi mới.
Chỉ trong 3 tháng phát động lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp
(2/1-30/4), đã có hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý từ các cơ quan, tổ chức và cá
nhân. Hơn 28 nghìn hội nghị, hội thảo, tọa đàm đóng góp ý kiến về sửa đổi Hiến
pháp được tổ chức.
Tọa đàm góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp với trọng tâm bàn về điều 4 do báo Quân đội nhân dân tổ chức tháng 3/2013 |
Dự định chỉ có 3 tháng tổ chức lấy ý kiến nhân dân nhưng những kỳ vọng, tâm tư,
trăn trở đầy tâm huyết vẫn tiếp tục được gửi đến cơ quan chức năng đã khiến thời gian
kéo dài đến tận 30/9, chỉ hơn một tháng trước giờ mở màn kỳ họp Quốc hội, nơi
gần 500 đại biểu bấm nút thông qua Hiến pháp.
110 trang báo cáo đã được UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp gửi đến Quốc hội. Dù, có
không có ít ý kiến từ chính các đại biểu cho rằng vẫn cần thêm thời gian để nghiên cứu thấu đáo mọi ý kiến của nhân dân về
từng nội dung hạng mục sửa đổi trong dự thảo.
Giờ phút lịch sử của Quốc hội khóa 13 nhằm ngày 28/11, với tỷ lệ 97,59%, bản dự
thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được thông qua.
2. Chuẩn bị nhân sự quy hoạch nhiệm kỳ 2016-2021
Hội nghị TƯ 7 đã bàn về xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, dựa trên Đề án
quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.
Sau khi được hội nghị TƯ 6 (khoá XI) thông qua Đề án, Bộ Chính trị đã khẩn
trương chuẩn bị để trình hội nghị TƯ lần này cho ý kiến về dự kiến quy hoạch Ban
chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của
Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Bộ Chính trị đã thảo luận và có ý kiến sơ bộ về chức danh nhân sự dự kiến đưa
vào quy hoạch nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Tại hội nghị lần thứ 7, Bộ Chính trị đề nghị Ban chấp hành TƯ cho ý kiến về
nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp lựa chọn nhân sự đưa vào quy hoạch; số lượng
cho mỗi chức danh; cơ cấu độ tuổi, giới tính, thành phần xuất thân và phương án
nhân sự cụ thể đưa vào quy hoạch, sau đó giao Bộ Chính trị căn cứ ý kiến của TƯ
cân nhắc, quyết định chính thức.
3. Bộ Chính trị, Chính phủ bổ sung nhân sự
Hai gương mặt mới của Bộ Chính trị đã được bầu bổ sung tại hội nghị TƯ 7 là ông
Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân, đưa số lượng ủy viên Bộ Chính
trị lên 16.
Sau khi được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị, ông Nguyễn Thiện Nhân được giới thiệu
làm Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam. Do đảm nhiệm công tác ở vị trí mới, vị trí phụ
trách giúp Thủ tướng theo dõi và chỉ đạo khối văn hóa - xã hội - khoa học - giáo
dục của ông Nhân đã được tính toán và bổ sung kịp thời.
Quốc hội đã bỏ phiếu phê chuẩn hai phương án nhân sự Phó Thủ tướng tại kỳ họp
cuối năm: Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
4. Lấy phiếu tín nhiệm - cuộc "thăm dò" chất lượng cán bộ:
Năm nay, lần đầu tiên Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do mình
bầu hoặc phê chuẩn.
Lần đầu tiên, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh |
Dù luật đã quy định nhưng đây là lần đầu tiên Quốc hội dùng quyền giám sát tối
cao đối với vấn đề nhân sự, là cuộc sinh hoạt dân chủ chính trị ở cơ quan đại
biểu dân cử cao nhất.
ĐBQH, người thay mặt cử tri cả nước, đã thực hiện nhiệm vụ quan trọng khi đánh
giá 47 chức danh chủ chốt trong bộ máy nhà nước mà chính các đại biểu đã bầu.
Sứ mệnh này được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định thực hiện “cẩn
trọng, công tâm và khách quan trong đánh giá”.
Cùng với Quốc hội, HĐND tỉnh, thành phố trên cả nước cũng tiến hành lấy phiếu
tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do mình bầu ra.
Có những tranh luận, ý kiến “hậu” lấy phiếu tín nhiệm, chủ yếu xung quanh quy
trình kỹ thuật để hướng tới chất lượng đánh giá chính xác hơn. Nhưng cuộc “chấm
điểm” bước đầu cho thấy tín hiệu tích cực nhất định xung quanh việc thăm dò chất
lượng cán bộ.
5. Cú đấm mở màn vào tham nhũng
Được coi là một trong 10 đại án tham nhũng được đưa ra xét xử vào tháng cuối
cùng của năm, vụ tham ô ở Vinalines có bản án nghiêm khắc được dư luận coi như
cú đấm tấn công vào tham nhũng.
Án tử hình đã được tuyên cho nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải, nguyên chủ tịch
HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng.
|
Ảnh: Doãn Tấn |
Các đồng phạm của Dương Chí Dũng trong phi vụ tham ô mua ụ nổi 83M cũng
nhận bản án nghiêm khắc. Trong đó, cựu Tổng giám
đốc Vinalines Mai Văn Phúc lĩnh án tử hình.
Hai vụ án tham nhũng nghiêm trọng khác cũng đã được đưa ra xét xử tại TAND
TP.HCM là vụ tham nhũng tại công ty Cho thuê tài chính II, thuộc Agribank và vụ
Vifon.
Việc đưa ra xét xử với bản án nghiêm khắc nhất dành cho các bị cáo trong các vụ
án vừa qua là những “cú đấm” đầu tiên mở đầu cho việc tấn công triệt tiêu tệ
tham nhũng gây nhức nhối hiện nay trong xã hội, như lời Trưởng Ban Nội chính TƯ
Nguyễn Bá Thanh.
Theo ĐBQH Lê Như Tiến, cơ quan chống tham nhũng phải được trao "thượng phương
bảo kiếm" để tránh tình trạng “hỏa lực hùng hậu, giặc tham nhũng vẫn chưa bị sát
thương”.
6. Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi mãi mãi
Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên
Giáp trút hơi thở cuối cùng ngày 4/10 tại Viện quân y 108 (Hà Nội) khi ông bước
sang tuổi 103. Cả nước đã treo cờ rủ, quốc tang tưởng niệm Đại tướng - vị anh
hùng của dân tộc trong chiến đấu giành độc lập dân tộc, tự do.
Kể từ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, lịch sử lại chứng kiến một Quốc tang và Dân tang
khi dòng biển người đến tiễn biệt ông lần cuối trong sự thương tiếc
vô hạn. Nói như nhà sử học Phan Huy Lê, Đại tướng nằm xuống được nhân dân khắc
bia trong lòng.
7. Luật Đất đai và kỳ vọng giảm áp lực khiếu nại, khiếu kiện
Từng bị lùi 3 kỳ họp Quốc hội không thể thông qua do chưa “chín” về quy định với
mong muốn giải quyết thỏa đáng khiếu nại, khiếu kiện, luật Đất đai sửa đổi sau
cùng đã đón được thời điểm vàng để thoát cảnh “treo”.
Hiến pháp 1992 sửa đổi quy định chặt chẽ hơn về chế độ sở hữu đất đai, tạo điều
kiện cho luật Đất đai được thông qua. Khá nhiều nội dung được sửa đổi, đáng chú
ý trong đó kỳ quy hoạch sử dụng đất được ấn định 10 năm và không quy định tầm
nhìn 20 năm.
Hay thu hồi đất, trưng dụng đất, một vấn đề gây tranh luận đến tận trước giờ bấm
nút thông qua cũng được xem xét theo hướng làm rõ thẩm quyền cho phép thu hồi.
Hoặc việc bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra cũng đã được quy
định cụ thể hơn trong luật như trường hợp đất trưng dụng bị hủy hoại thì việc
bồi thường được thực hiện bằng tiền theo giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất
trên thị trường tại thời điểm thanh toán…
Linh Thư - Ảnh: Lê Anh Dũng