- Câu chuyện tuyển sinh được đem ra mổ xẻ khá kỹ lưỡng trong cuộc hội thảo thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ diễn ra ngày 28/10.

Bộ phải tin thì mới thoát khỏi bùng nhùng

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh nhận định: “thi là chuyện nhỏ mà chúng ta tốn nhiều thời gian, sức lực quá. Vậy những chuyện lớn của cải cách cơ bản và toàn diện chúng ta lấy đâu ra năng lượng để làm?”.

Phân tích, ông Cương cho rằng nguyên nhân chủ yếu là giao việc không đúng. “Bộ GD-ĐT ôm lấy toàn bộ công việc vào mình.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Ở phổ thông, mọi việc tuyển sinh, đào tạo từ A-Z thì bộ giao hầu hết cho sở -  trừ Z là thi tốt nghiệp phổ thông thì ôm lấy. Ở đại học, tuyển sinh đào tạo cấp bằng từ A-Z thì Bộ lại nắm A. Đó là điều vô lý.

Tôi tin rằng các trường đã đào tạo, đã cho tốt nghiệp đại học thì làm được tuyển sinh. Các sở cũng vậy sẽ tổ chức được kỳ thi tốt nghiệp. Bộ phải tin tưởng thì mới thoát ra khỏi cảnh bùng nhùng này”.

Ông Bùi Thiện Dụ, hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông cũng nhìn nhận “Bộ GD-ĐT quá cầu toàn, đặt yêu cầu quá cao, quá toàn diện, muốn mọi việc hoàn hảo 100% - trong khi đó lại thiếu tin tưởng các trường nên mới làm thay mọi việc”.

Giao thi tốt nghiệp về cho sở GD-ĐT?

Số đông đại biểu đề xuất việc tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT giao về cho các sở GD-ĐT.

Ông Cương cho rằng, trước hết bộ phải làm rõ thi 2 trong 1 là 2 kỳ thi nhập lại thành một, hay là một kỳ thi với 2 mục đích? Như làm rõ tích hợp là thả 3 thứ su hào cà chua cà rốt vào cùng một túi, hay phải cho vào nồi hầm ra mới là tích hợp.

"Ý kiến của tôi là quay về 2 kỳ thi như trước kia nhưng với quan điểm khác. Thi tốt nghiệp phổ thông giao cho sở GD-ĐT tổ chức, nhưng làm rất nhẹ nhàng, với bài thi tổng hợp các môn học. Kể cả giao Sở tự ra đề thi, chọn ngày thi cũng được. Kết hợp điểm thi với học bạ đẻ xét tốt nghiệp, 99 hay 100% đỗ không có vấn đề gì" - ông Cương nói.

Đến tuyển sinh đại học thì giao cho các trường đại học tự chủ, họ muốn làm theo phương thức gì thì làm. Giao các trường tự chủ ngay cả đề thi, đúng với mục tiêu đào tạo.

Thêm nữa, tại sao lại đưa ra điểm sàn? Học sinh tốt nghiệp phổ thông là có quyền vào đại học nếu được trường nhận. Chỉ khi đông quá nên mới phải thi để chọn. Còn nếu được nhận, tại sao cấm?”.

Cho rằng để giảm nỗi khổ cho Bộ, GS Lâm Quang Thiệp kiến nghị: “Thi tốt nghiệp THPT nên để cho sở, Bộ không việc gì phải ôm. Mà Bộ có ôm cũng không chuẩn hóa được trên cả nước.”

Bộ không nên quy định điểm sàn?

Theo ông Thiệp, ngoài việc để các trường tự chủ tuyển sinh thì Bộ không nên quy định điểm sàn, vì mỗi trường đào tạo theo yêu cầu riêng. “Sàn trên cả nước chính là tốt nghiệp phổ thông”.

“Bộ tập trung vào tăng chất lượng kỳ thi để tuyển đại học, với tất cả các môn thi đều theo phương thức trắc nghiệm, riêng ngữ văn và toán có thể cho thêm 30’ tự luận.

Cũng nên giảm số môn đi, trong đó có 2 môn tổng hợp (chứ chưa phải tích hợp) với đề thi bao gồm câu hỏi của nhiều môn riêng. Thời gian thi rút ngắn còn 2 ngày. Một năm có thể làm hai kỳ thi hoặc nhiều hơn”.

Về phần tổ chức kỳ thi này, ông Thiệp cho rằng có thể do Bộ GD-ĐT hoặc tổ chức nào đó được Nhà nước tin tưởng giao cho.

Ông Võ Thế Huân, hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô nhận định Bộ vẫn lựa chọn tiếp tục phương án “2 trong 1” với những điều chỉnh bất cập. Nhưng ông Huân đề nghị phương án thứ hai, là tách thành 2 việc độc lập. “Thi phổ thông trả về địa phương. Bộ làm 3 việc: Ban hành quy chế, thanh tra kiểm tra giám sát quy chế. Trong những năm trước mắt Bộ ra đề. Sau 2020 trở đi Sở đủ sức ra đề thi lấy.

Trả lại tuyển sinh cho các trường đại học. Bộ ban hành quy chế, thanh tra kiểm tra, duyệt chỉ tiêu tuyển sinh để phù hợp nhu cầu nhân lực các ngành nghề. Sau 2020, Bộ cũng không cần quản lý nữa mà giao hết cho các trường”.

Nên khoán việc tuyển sinh cho hiệp hội

Ông Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng Trường ĐHDL Hải Phòng, đề nghị giao kỳ thi THPT quốc gia cho sở kết hợp với trường ĐH tổ chức, nhưng không có chuyện thí sinh tỉnh này sang tỉnh khác thi. “

Đồng thời, thời gian xét tuyển nguyện vọng 1 = 0 ngày, vì khi đăng ký dự thi cho các em đăng ký nguyện vọng 1 luôn, vì trong quá trình học tập học sinh đã biết mình vào đâu là hợp lý. Có điểm thi rồi mới đi chọn trường là trái quy luật.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông Nghị cũng nghiêng về phương án học sinh sau tốt nghiệp là có thể vào đại học, miễn là trường nhận.

TS Lê Trường Tùng, chủ tịch HĐQT ĐH FPT thì cho rằng thi tuyển là vấn đề số đông, đưa ra giải pháp nào cũng phải có chuyên gia liên quan tâm lý. “Vì nếu chỉ logic thuần túy thì sẽ xảy ra nhiều vấn đề. Cứ hình dung bảo xếp hàng thế nào cũng được nhưng vẫn thích chen lấn” – ông Tùng so sánh.

Theo ông Tùng, kỳ thi năm 2016 cần giải quyết thuận lợi hơn cho thí sinh. “Vì Bộ vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm chung về chất lượng giáo dục đại học, nên thông cảm với Bộ đưa ra mức điểm sàn để các trường không tuyển bằng mọi giá. Như năm nay, sàn 15 điểm là đã “thả” rồi. Nếu không, một số trường sẽ tuyển thấp tạo hiệu ứng xã hội khác không cần thiết”.

Ông Tùng nhận định trong 2 năm vừa qua các trường đã được mở tự chủ rất nhiều rồi. “Vấn đề là nhiều trường chưa sẵn sàng, nên Bộ mới đưa ra những giải pháp mang tính nửa mùa, mà chắc trong thời gian tới vẫn phải duy trì. Tuy nhiên, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ VN nên đứng ra nhận trách nhiệm tổ chức “sân chơi” cho những trường không tự chủ được. Bộ nên khoán việc tuyển sinh cho hiệp hội”.

GS Trần Hồng Quân nhìn nhận chủ trương của Bộ về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia có câu “mờ” – “Lấy kết quả thi THPT quốc gia làm căn cứ xét tuyển vào đại học”.

Vì vậy, nếu Bộ đã sớm bớt đi một kỳ thi thì cũng nên rút ngắn thời gian giao trọn vẹn quyền tự chủ cho các tường đại học. Đương nhiên có những trường gặp khó khăn, nhưng không phải vì thế mà không giao cho trường khác. Sau này, giữa các trường có thể hình thành những nhóm hỗ trợ nhau”.

Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng: Bộ GD-ĐT đã giao tự chủ rồi, nhưng các trường tự nguyện đăng ký tham gia vào kỳ thi THPT quốc gia.

Bộ sẽ bàn bạc cân nhắc các đề xuất kiến nghị trong hội nghị chuyên môn của Bộ. Những y kiến xác đáng, Bộ sẽ tiếp thu.

Ngân Anh