LỜI TÒA SOẠN:

Nghề bán hàng (sales) đòi hỏi nhiều kỹ năng, mang lại thu nhập tốt nhưng cũng có thể bị đào thải rất nhanh. Công việc này cũng hay bị cộng đồng kỳ thị, đề phòng, thậm chí né tránh.

VietNamNet giới thiệu tuyến bài Góc khuất nghề sales, ghi lại tâm sự của những người trong nghề, để độc giả có góc nhìn đầy đủ hơn về công việc này. 

Bị khách dọa đánh, báo công an vì gọi quá nhiều 

sale chungcu.jpg
Trước khi chuyển sang làm sales bất động sản, Nguyễn Văn Hải làm nghề kinh doanh hoa quả ở Sơn La

Trước năm 2020, Nguyễn Văn Hải (SN 1992) cùng gia đình làm nghề buôn bán hoa quả ở Sơn La. Từ khi xảy ra dịch Covid-19, các giao dịch qua cửa khẩu bị đình trệ. Cộng với một số lý do chủ quan, Hải quyết định bỏ nghề để lên Hà Nội lập nghiệp. 

Mặc dù đã được cảnh báo “bán bất động sản khó lắm”, nhưng Hải vẫn quyết tâm bước chân vào nghề với kinh nghiệm và kỹ năng là con số 0. 

Từ một anh chàng buôn hoa quả ở chợ, chuyên mặc quần đùi, áo phông, Hải buộc phải chuyển sang “giao diện” áo sơ mi, quần âu đóng thùng. Thi thoảng, anh lại bị sếp phê bình tội ăn mặc “lôm côm”.

Giống như bất cứ người nào mới vào nghề, Hải phải gọi hàng trăm cuộc điện thoại cho khách hàng tiềm năng. “Có người có nhu cầu bán thật nhưng họ đang bận, mình không biết, gọi nhiều quá khiến người ta bực mình. Có lần chủ nhà cáu quá, quát trên điện thoại: ‘Cậu có tin, tôi đánh cho một trận hay không?’”.

Lần khác, Hải lại bị dọa: “Đọc địa chỉ công ty ra, tôi đến tận nơi xem cậu là ai. Cậu có tin tôi báo công an không?”. Hải cười khi kể lại những kỷ niệm đó và bảo, làm sales, bị mắng chửi là chuyện bình thường. “Mình biết là mình sai nhưng công việc bắt buộc phải làm thế. Khách mắng thì mình nghe thôi”.

Có những lần khách mắng oan, Hải cũng phải nhẫn nhịn. “Có lần tôi hẹn chủ nhà sẽ đưa khách đến đúng giờ này, ngày này để xem nhà. Nhưng đến nơi, chủ nhà lại cho chúng tôi ‘leo cây’. Khách ở xa đến, không xem được nên bực tức, mắng: ‘Em ngáo ngơ thế này thì ai làm việc với em’, rồi bỏ về luôn”. 

“Đôi khi lỗi không phải do mình nhưng đã làm nghề này, chúng tôi phải hòa nhã, xin lỗi khách một cách chân thành nhất. May ra thì họ hiểu, chỉ mắng vài câu. Có người không thông cảm, cứ mắng sa sả thì mình cũng coi như chưa nghe thấy gì”.

3 lần dầm mưa dẫn khách đi xem nhà

saledat1.jpg
Giao dịch đầu tiên của Hải trong sự nghiệp sales bất động sản là 2 căn chung cư cao cấp sau 3 lần dầm mưa dẫn khách đi xem nhà

Bước chân vào nghề sales bất động sản, Hải chọn chung cư cao cấp – dòng hàng mà Hải cho là không quá khó như mảng nghỉ dưỡng, biệt thự. 

Anh vẫn nhớ như in căn hộ chung cư đầu tiên mình “chốt” được sau 3 lần dầm mưa dẫn khách đi xem nhà. 

“Ngày ấy, tôi mới vào nghề, chẳng có gì ngoài sự kiên trì, nhiệt huyết. Vị khách khó tính muốn mua để đầu tư, và có lẽ cũng đã làm việc với hàng chục người bán hàng nhưng vẫn chưa ưng căn nào. 

Sau khi dẫn khách đi xem đến khoảng 20 căn, lần nào đi trời cũng đều mưa to, đến lần thứ 3, tôi đã thầm nghĩ nếu lần này mà không được nữa thì có lẽ không có duyên. Nhưng may mắn là khách ưng ngay căn hộ tôi dẫn đi xem và chốt luôn 2 căn trong lần thứ 3 ấy”.

Hải nói, đó là 2 căn hộ đầu tiên anh bán được trong sự nghiệp làm sales bất động sản của mình, và cũng là giao dịch mà anh cảm thấy vui nhất, tự hào nhất vì những nỗ lực mình bỏ ra thu được thành quả. 

“Vị khách đó sau này trở thành bạn thân của tôi. Cô ấy chia sẻ là lúc đó thấy tôi cũng non nớt nhưng vì nhiệt tình nên ‘chốt’ luôn. Nhưng tôi tin là không có người bán hàng nào tìm được cho cô ấy căn tốt hơn. Bởi vì trước đó, tôi đã mất cả chục ngày để làm thân với chủ nhà, được chủ nhà quý nên mới để cho giá tốt như vậy”.

Những chiêu trò

Hải chia sẻ, mọi người hay đề phòng khi làm việc với người bán hàng, bởi để bán được nhà, một số người bán hàng thực sự làm một số chiêu trò với khách và chủ nhà. 

“Ví dụ, khi thấy chủ đang cần bán gấp, người bán hàng hay ép giá. Khi ép được chủ bán giá thấp hơn thị trường rồi, lại báo giá cho khách chênh lên 50-100 triệu đồng để ăn phần chênh lệch ngoài hoa hồng. Cũng có chủ nhà thỏa thuận ngay từ đầu là chỉ cần thu về ngần này, còn lại không quan tâm người bán hàng bán cho khách bao nhiêu”.

Chị Ngân – một nhân viên bất động sản đã có thâm niên hơn 3 năm trong nghề - cũng thừa nhận, việc người bán hàng không báo đúng giá mà chủ nhà mong muốn là chuyện thường gặp. Thông thường, ít chủ nhà thoải mái với việc này và khách mua đương nhiên cũng mong muốn mua được giá thấp nhất. 

“Tuy nhiên, khách bao giờ cũng thích mặc cả, thích giá cuối cùng phải thấp hơn giá ban đầu nên đôi khi người bán hàng báo chênh lên vài chục triệu đồng/căn”.

Người bán hàng bất động sản còn có một chiêu mà dân trong nghề hay gọi là “dồn khách”. 

“Ví dụ, thấy khách băn khoăn, chần chừ, người bán hàng sẽ dồn khách, nói là đang có người trả giá này giá kia, nếu anh chị không nhanh sẽ không còn cơ hội. Thậm chí, chính chủ nhà cũng hay thực hiện ‘chiêu’ này để đẩy người bán hàng và khách quyết định nhanh”. 

saledat2.jpg
Hải (áo trắng) cho rằng sự chân thành chính là "chiêu trò" bền vững nhất giúp người làm nghề sales sống được bằng nghề

Hải chia sẻ, dù biết rất nhiều cách thức để đạt được mục tiêu “chốt đơn”, nhưng từ khi vào nghề, anh vẫn luôn quan niệm một điều rằng, dù có làm gì cũng nên xuất phát từ sự chân thành.

“Nếu khách cần bán gấp, mình không nên lợi dụng điều đó để ép giá. Thường tôi chỉ tư vấn, nếu anh chị muốn bán nhanh để lo công việc thì nên để mức giá này và đưa khách tới gặp chủ nhà để trực tiếp thương lượng. Tôi chỉ lấy phí môi giới và không thu chênh”.

Theo Hải, đó là cách để anh có một tệp khách hàng trung thành và bền vững. “Sau 4 năm làm nghề, tôi tự tin là bây giờ lượng khách tự tìm đến cũng đủ để tôi có một khoản thu nhập đều đặn, ổn định”.

Ngoài ra, anh cho rằng làm nghề nào cũng phải nắm chắc kiến thức. Thời gian đầu mới vào nghề, chỉ vì một câu tư vấn sai cho khách mà anh phải nhận hậu quả là mất giao dịch, khi khách và chủ nhà cãi nhau to trong ngày ký hợp đồng.

Ngược lại, có những khi người bán hàng bị khách “qua mặt”. “Khi đã gặp được chủ nhà, khách tìm cách tự liên hệ, thương lượng và giao dịch với chủ để không tốn phần tiền hoa hồng cho người bán hàng”. 

Hải tâm sự, nghề sales đã cho anh nhiều thứ, trong đó thu nhập không phải là thứ lớn nhất. “Trong vài năm gần đây, nghề sales bất động sản không phải là nghề có thu nhập quá tốt. Nhưng từ khi đến với nghề này, tôi thấy cái mình được nhất là các mối quan hệ chất lượng.

Những người có tiền mua nhà thường là người giàu. Mà người giàu thì bao giờ cũng tư duy tốt. Tôi học được từ họ rất nhiều thứ” – Hải giải thích.

Cùng với sự trưởng thành trong nghề, Hải cũng trưởng thành hơn trong cách cư xử, giao tiếp. Điều đó cũng được ghi nhận bởi chính người thân trong gia đình anh.

“Ngày xưa, tôi đóng góp ý kiến trong nhà, không có ai nghe. Nhưng chỉ sau vài tháng làm sales, tôi về nói chuyện với bố, được bố tin tưởng hơn rất nhiều. Bởi, tôi học cách lắng nghe trước rồi mới bày tỏ ý kiến của mình, không như trước, vừa nghe chưa dứt câu đã cãi ngay” – Hải hài hước chia sẻ.        

Ảnh: Nhân vật cung cấp