Chị Lê Thị T. (SN 1967) sinh ra trong một gia đình khá đông con ở Nam Định. Chị là con của người vợ ba không chính thức nên dù cha chị sống tại Hà Nam cùng vợ hai và các chị gái thì chị vẫn sống cùng mẹ, chị gái và người em tại Ý Yên, Nam Định. Cuộc sống nơi quê hương nghèo khổ, lam lũ và thiếu đi sự chăm sóc của bàn tay người cha trong gia đình, vì ông một chốn đôi nơi. Chị thỉnh thoảng lên Hà Nam thăm bố nên việc đi về cũng tự do và lâu dần thành quen.

Học hết cấp 3, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị nghe theo lời một người bạn xóm trên rủ ra Hà Nội làm hàng phở.

{keywords}
Chị T. bên chồng và những người con.

Khi lên đến Hà Nội, chị bị người bạn này lừa bán cho một người Trung Quốc mà không hề hay biết. Họ nói với chị cứ đi theo rồi sẽ được lo công ăn việc làm. Cuối cùng chị bị bán làm vợ cho một người đàn ông làm nghề chăn ngỗng tại Quảng Đông, Trung Quốc.

Không thể bỏ trốn, chị đành chấp nhận số phận hẩm hiu với hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm cách viết thư, liên lạc với gia đình. Thế nhưng trải qua thời gian dài, chị lại hoàn toàn vô vọng. Là một người vợ nhưng chị không khác gì người giúp việc trong gia đình. Nhà họ nghèo, chị cũng phải bươn chải để kiếm sống. Một năm sau, chị sinh được một cậu con trai. Thế nhưng không vì thế mà nỗi nhớ quê hương, mẹ cha trong chị nguôi ngoai.

Hàng năm trời ròng rã tìm mọi cách để liên lạc về quê, cuối cùng chị cũng tìm được một người Việt Nam để cậy nhờ. Họ đồng ý giúp và khuyên chị nên mang con theo. Chị tin người và vì quá mong mỏi để được trở về, đã bế con, trốn nhà chồng ra đi.

Nhưng cuộc đời oái oăm, chị không những không tìm được đường về mà một lần nữa, bị chính người Việt kia lừa bán. Kẻ bắt cóc đã bán chị cho người chồng hiện tại trên một vùng núi hẻo lánh, nghèo nàn. Chị cũng thất lạc đứa con đầu lòng từ đó cho đến nay không một dòng tin tức.

Cuộc trùng phùng sau hơn 30 năm...

Sống với người chồng hiện tại, chị chính thức trở thành một người lao động cơ cực trong gia đình. Về nhà họ, mỗi năm sinh 1 đứa con. Hiện tại chị có 4 đứa con, 2 gái, 2 trai cùng người chồng không hôn thú. Con đầu đã vào đại học và con út đang học những năm cuối cấp 3. Chị T. hằng ngày chăm chút vườn chè rộng vài hecta, trồng ngô, khoai để sống. Có được đồng nào cộng với tiền trợ cấp hộ nghèo, chị lo cho các con và nuôi bố mẹ già của chồng.

Chồng chị hơn chị 2 tuổi, làm nghề phụ hồ, đi suốt ngày, kiếm được tiền thì lo bài bạc, gái gú, say xỉn. Về nhà, nếu chị ca thán sẽ phải chịu những trận đòn dã man của chồng. Chính vì thế, chị phải nín nhịn trong nỗi buồn tủi, sống vì các con và vì nỗi khao khát trở về quê hương bản quán.

Có những lúc, chị cảm thấy vô vọng và bế tắc nhưng rồi cuộc sống lam lũ, nhọc nhằn cũng quen dần vì sự trưởng thành của các con. Các con chị lớn lên, đứa con gái lớn năm nay đã 17 tuổi, hiểu được nỗi khổ tâm của mẹ. Biết mẹ là người phụ nữ Việt Nam đã 2 lần bị bán, con gái chị vừa học, vừa đi làm thêm để trước hết lo cho bản thân, không để mẹ phải chu cấp. Nếu còn dư dả đồng nào thì đưa mẹ để lo gia đình, nuôi các em và ông bà nội đã già yếu.

Như là một đặc ân của số phận, cuối cùng, sau hơn 30 năm, nhờ sự quen biết với một người phụ nữ tên là Điều, quê gốc Thanh Hóa, chị đã được trở về Việt Nam đoàn tụ với gia đình, người thân.

Trước khi về, chị còn phải đưa mẹ chồng đi viện khám bệnh vì bà bị ốm nặng. Chồng người Trung Quốc thì thu hết sạch tiền của chị và bảo, nếu muốn về thì tự đi vay mượn tiền để về. Còn các con, khi biết mẹ tìm được quê hương và đi theo người quen trở về, một phần sợ chị bị lừa bán thêm một lần nữa, một phần sợ mẹ trở về quê hương sẽ không quay lại cùng các con. Chị T. gạt nước mắt hứa với các con là sẽ quay trở lại, bởi dù đắng cay cơ cực nhưng cuộc sống của chị là thuộc về xứ sở ấy, nơi có 4 đứa con thương mẹ, biết nỗi khổ của mẹ.

Sau 30 năm, trở về, cha mẹ, người em trai duy nhất cũng đã mất. Làng xóm thay đổi rất nhiều so với thời chị ra đi nhưng ở cả hai quê, quê mẹ Ý Yên, Nam Định và quê cha Kim Bảng, Hà Nam, chị nhớ không quên một gương mặt nào. Họ hàng đón chị trong mừng tủi, đẫm nước mắt với những sẻ chia của 30 năm lưu lạc.

Đình Thành