“31,2% trong số 1128 các em gái được hỏi đã từng bị quấy rối tình dục khi đi xe buýt. 45% người trả lời trong khảo sát đường phố không hành động khi nhìn thấy sự việc ở nơi công cộng, 20% không làm gì khi nhìn thấy em gái bị quấy rối trên xe buýt”.
31% trẻ em gái và thanh niên bị quấy rối tình dục
Bà Lê Quỳnh Lan, quản lý Plan vùng Hà Nội, Tổ chức Plan tại Việt Nam cho biết, đây là số liệu của cuộc khảo sát thông qua bảng hỏi với 1.195 em gái và nữ thanh niên trong độ tuổi từ 12 – 25 sử dụng xe buýt tại Hà Nội của Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam, tổ chức ActionAid Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường thực hiện năm 2014.
Các loại quấy rối tình dục các em gặp phải ở nơi công cộng. Số liệu Plan cung cấp |
Theo bà Lê Quỳnh Lan, kết quả chỉ ra rằng nguy cơ các em gái trong độ tuổi vị thành niên bị quấy rối ở nơi công cộng là có thật với tần suất khá cao. Chỉ có 13% em gái và 8% em trai cho rằng các em gái luôn luôn cảm thấy an toàn nơi công cộng.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy 31,2% trong số 1128 các em gái được hỏi đã từng bị quấy rối tình dục khi đi xe buýt.
Quấy rối tình dục làm cho em gái cảm thấy không được an toàn khi đi lại và bị mất tự tin. Điều này có thể sẽ hạn chế các cơ hội học tập, tiếp cận thông tin bên ngoài của các em gái và nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội phát triển hết tiềm năng của các em.
“Đây là con số đó nói lên rằng, em gái và phụ nữ là nhóm dễ bị tổn thương ở nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng.
Tuy nhiên, con số này không phải là cao so với khu vực và trên thế giới. Theo một khảo sát của tổ chức Stop Harassment (Chấm dứt quấy rối) thực hiện tại Mỹ vào đầu năm 2014 thì có đến 65% phụ nữ tham gia khảo sát đã từng bị quấy rối tình dục trên đường phố.
Ở London thì con số là 4/10 phụ nữ đã từng bị quấy rối trên đường phố. Ở Brazil, có khoảng 44% phụ nữ đã từng bị quấy rối tình dục khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Tỷ lệ 20% người chứng kiến không có thái độ hỗ trợ khi chứng kiến các hành vi sàm sỡ, quấy rối trên xe buýt cho thấy nhận thức về vấn đề quấy rối, sự tổn thương của các em gái vẫn còn chưa cao và thái độ thờ ơ với khó khăn của người khác của một bộ phận người dân”, bà Lan cho biết.
Nạn nhân bị quấy rối tình dục không nên im lặng
Theo bà Lan, trong số 70% người trả lời đã từng chứng kiến các vụ quấy rối, chỉ có 35% người đã giúp đỡ nạn nhân. Đáng báo động là 45% trong số người đã chứng kiến không giúp đỡ. Lý do không giúp đỡ là do sợ bị trả thù hoặc bị đánh hoặc "không phải việc của tôi".
Bảng mô tả khảo sát hành động của người chứng kiến khi gặp em gái bị quấy rối tình dục nới công cộng. |
Quấy rối tình dục trên xe buýt hay tại những nơi công cộng là tình trạng khá phổ biến hiện nay. Thậm chí có lúc các cơ quan chức năng tại Hà Nội và Tp HCM từng nghĩ tới việc phải xây dựng tuyến xe buýt dành riêng cho giới nữ. Tuy nhiên, để phòng ngừa và hạn chế tình trạng này vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn.
Bà Lan kể: “Tôi từng chứng kiến một em gái kể rằng không ai giúp em khi em bị quấy rối tình dục bằng cách sờ mó và bằng lời nói trên phố. Không ai nói hoặc làm một điều gì để giúp em.
Bên cạnh đó, đa số các nạn nhân khi bị lạm dụng thường giữ im lặng, lảng tránh ra chỗ khác hoặc xuống xe ở bến tiếp theo để thoát khỏi hành vi quấy rối. Các em rất sợ hãi, xấu hổ nên không dám lên tiếng phản ứng trước những hành vi đó.
Điều này thực ra không giúp chấm dứt hành vi quấy rối mà vô hình chung khiến cho kẻ quấy rối không sợ hãi, tiếp tục thực hiện hành vi đó với nạn nhân khác”.
Bà Lê Quỳnh Lan, quản lý Plan vùng Hà Nội, Tổ chức Plan tại Việt Nam |
“Do vậy các em gái cần lên tiếng, hô to để người xung quanh chú ý đến, kẻ quấy rối sẽ phải dừng hành vi bắt chúng phải xuống xe ngay lập tức”.
Các em cũng có thể báo với lái/phụ xe buýt hoặc gọi điện thoại cho đường dây nóng của công ty xe buýt hoặc của công an (có dán ngay trên kính xe hoặc thân xe). Chỉ khi các em nữ hiểu được các hành vi quấy rối là sai trái, vi phạm pháp luật, làm tổn thương các em gái và sẵn sàng hành động khi chứng kiến thì vấn đề sẽ được giải quyết”.
Vai trò của gia đình cũng rất quan trọng. Trong khảo sát 24 em gái về lý do tại sao không chia sẻ. Nhiều em cho biết chính bố mẹ, người thân khi biết câu chuyện không chia sẻ hoặc khi nghe chia sẻ bố mẹ em hay đổ lỗi, không tin con cái mình. Ngày trong gia đình các em còn không tìm thấy sự đồng cảm, hỗ trợ thì làm sao các em có thể tự tin ở nơi công cộng có sự bảo vệ, giúp đỡ”, bà Lan nói.
Hạnh Thúy
Tin liên quan: