Ông lớn dệt may Việt từng có 4.000 nhân viên nhưng hiện chỉ còn 31 người. Công ty vẫn chưa có đơn hàng, đang tìm đối tác Âu Mỹ để khôi phục lại ngành may và muốn thu hồi vốn đầu tư vào mảng địa ốc.
Tính rút khỏi bất động sản, khôi phục nhà máy 1.200 lao động tại Quảng Nam
Ngày 5/12, CTCP Garmex Sài Gòn (GMC) công bố thông tin tình hình sản xuất kinh doanh và kế hoạch khôi phục sản xuất kinh doanh chính.
Garmex Sài Gòn cho biết, năm 2023, do đơn giá thấp, không có đơn hàng, công ty tạm thời ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh chính. Công ty đã cơ cấu lại lao động, chỉ giữ lại một số nhân viên bộ phận kinh doanh kế hoạch, kỹ thuật, kế toán, kho, cơ điện, máy móc thiết bị để quản lý tài sản, hàng tồn kho và tìm kiếm đơn hàng.
Theo báo cáo tài chính quý III, tới cuối tháng 10, Garmex Sài Gòn chỉ còn 31 người lao động. Trước đó, thời cao điểm từ 2017-2021 doanh nghiệp này có tới 4.000 nhân viên. Tới cuối năm 2021, Garmex Sài Gòn còn khoảng 2.000 người. Cuối tháng 9/2023, số người lao động chỉ còn 37 người và tới cuối tháng 3/2024 là 34 người.
Gần đây, Garmex Sài Gòn vẫn tiếp tục thanh lý tài sản, xe tải, xe con cho tới thùng carton, giấy sơ đồ, chỉ các loại, nguyên phụ liệu ngành may… Nhưng bật mí công ty “không thanh lý hoàn toàn” và “sẵn sàng khôi phục sản xuất khi điều kiện thuận lợi”.
GMC cho biết đang theo dõi, thúc đẩy công ty liên kết là CTCP Phú Mỹ hoàn thành Dự án nhà ở Phú Mỹ để bán sản phẩm nhằm thu hồi vốn đầu tư. Do không có đơn hàng dệt may sau đại dịch Covid-19 và cú sốc dây chuyền từ đối tác lớn Gilimex bị gã khổng lồ Amazon đột ngột cắt sản lượng, năm 2023 GMC đã chuyển hướng sang làm bất động sản.
Theo báo cáo tài chính quý III, Garmex Sài Gòn góp hơn 21 tỷ đồng vào Công ty Phú Mỹ, tương đương 32,47%. Giá trị hợp lý được GMC ước tính không thay đổi ở vào thời điểm cuối quý III/2024.
Ngoài ra, Garmex Sài Gòn đang tiếp xúc khách hàng và nếu có đơn hàng, dự kiến sẽ triển khai nhà máy Quảng Nam vào tháng 3/2025. Nếu thuận lợi, GMC sẽ khôi phục nhà máy này với 1.200 lao động vào cuối năm tới.
Thua lỗ triền miên, kế hoạch quay lại nghề chính có khả thi?
Garmex Sài Gòn có quy mô vốn 330 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính kiểm toán, GMC thua lỗ hơn 84,7 tỷ đồng trong năm 2022 và hơn 51,9 tỷ đồng trong năm 2023. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, GMC lỗ gần 8 tỷ đồng. GMC thua lỗ dù đã ngừng sản xuất và thanh lý nhiều tài sản, do phát sinh chi phí cho hơn 30 người lao động để quản lý tài sản, hàng tồn kho và tiếp tục tìm kiếm đơn hàng.
Tuyên bố muốn thu hồi vốn từ Phú Mỹ và con số ước tính về giá trị hợp lý của khoản vốn đầu tư vào công ty bất động sản này không đổi so với số tiền bỏ ra đầu tư cho thấy, mảng địa ốc không dễ sinh lời. Gần đây, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về bán hàng, gánh nặng nợ lớn, lãi vay nhiều…
Định hướng “đa dạng hóa ngành nghề để tránh rủi ro” của GMC dường như không phát huy hiệu quả. Gần đây, GMC tham gia “may mền” và kinh doanh nhà thuốc hay kế hoạch làm logistics… nhưng “doanh thu không đáng kể”.
Theo báo cáo tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2024, GMC ghi nhận doanh thu hơn 474 triệu đồng, tương đương mỗi ngày thu về chưa tới 1,8 triệu đồng. Trong quá khứ, GMC có 7 năm có doanh thu từ 1.400-2.000 tỷ đồng/năm, trước khi rớt về mức hơn 1.000 tỷ đồng trong năm 2021, 292 tỷ đồng năm 2022 và 8,3 tỷ đồng trong năm 2023.
Doanh thu tụt giảm, thua lỗ triền miên, mở sang các mảng mới không có triển vọng tích cực…, vậy kế hoạch quay trở lại nghề chính là ngành may có khả thi?
Dù không có đơn hàng sau đại dịch Covid-19 và hụt thu từ đối tác Gilimex nhưng GMC kiểm soát chi phí rất tốt. Lỗ giảm nhanh. Trong khi đó, sức khỏe tài chính còn khá tốt.
Tính tới cuối quý III/2024, GMC có tiền và tương đương tiền lên tới gần 77 tỷ đồng, trong đó có 66 tỷ đồng gửi tiết kiệm dưới 3 tháng tại 3 ngân hàng. Ngoài ra còn có hơn 4,3 tỷ đồng tiền gửi trên 3 tháng.
Tới cuối tháng 10/2024, GMC không có vay nợ và thuê tài chính. Tổng nợ phải trả khá thấp, chưa tới 10 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt gần 388 tỷ đồng.
Rủi ro của GMC có lẽ ở khoản hàng tồn kho lên tới hơn 133 tỷ đồng và phải dự phòng giảm giá hơn 35 tỷ đồng. Bên cạnh đó là tài sản cố định còn gần 139 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây có thể là những tài sản cần thiết để GMC có thể khôi phục sản xuất khi có đơn hàng. Các tài sản không hiệu quả đã được GMC thanh lý.
Như vậy, khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp may mặc từng rất nổi tiếng tại TPHCM này chính là việc tìm đối tác để có đơn hàng. Việc sa thải công nhân giúp GMC kiểm soát chi phí nhưng sẽ gặp khó khi ký hợp đồng với đối tác.
Garmex Sài Gòn, thành lập năm 1976, là một doanh nghiệp may mặc nổi tiếng tại TPHCM với hơn 20 năm hoạt động. Đây cũng là doanh nghiệp cổ phần hóa sớm (năm 2004) và niêm yết trên HoSE vào năm 2006.
GMC có 5 nhà máy có tổng diện tích hơn 10ha với 70 chuyền với thị phần lớn và làm việc với nhiều thương hiệu quốc tế.
Cổ phiếu GMC giảm mạnh trong 3 năm qua, từ mức 22.000 đồng xuống còn 7.600 đồng/cp như hiện tại.