4 giai đoạn của người cao tuổi
Đứng dưới góc độ Y khoa, Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Hằng cho biết, có thể chia độ tuổi của người cao tuổi (NCT) thành 4 giai đoạn (60-69; 70-80; 80-90 và trên 90 tuổi).
Gian đoạn từ 60 – 69 tuổi, được gọi là giai đoạn đầu khi NCT bước vào độ tuổi nghỉ hưu (tự nguyện hay bắt buộc), nếu có làm thuê thì quy định của luật pháp cũng yêu cầu giảm giờ làm hoặc chỉ nên làm những công việc không quá nặng nhọc như bảo vệ, quản lý… Lí do của sự khống chế thời gian này do NCT trên 60 sức khỏe giảm đi, tính độc lập và sự sáng tạo không như trước. Đặc biệt, sự phản xạ và các tác động tới thần kinh từ bên ngoài cũng tác động tới họ nếu cường độ công việc có nhiều áp lực.
Về mặt tâm sinh lý, NCT từ 60 tuổi trở đi (số ít) nếu chăm luyện tập thể dục thể thao thì vẫn có thể sinh hoạt tình dục. Đặc biệt, ở lứa tuổi này các CLB hưu trí trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần quan trọng với họ. Do vậy, bạn già hay bạn hưu rất quan trọng với NCT ở thời điểm này. Các hoạt động thiện nguyện, sinh hoạt cộng đồng cũng rất quan trọng khi NCT cảm thấy mình vẫn có ích cho xã hội và không có cảm giác bị thừa thãi hay bỏ rơi khi vừa bắt đầu nghỉ hưu. Nhưng đây cũng là thời điểm NCT hay có những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống xung quanh.
Với người có độ tuổi từ 70 đến 79, đây là giai đoạn khó khăn của NCT khi họ có nhiều biến cố hơn. Bởi, những người ở tuổi từ 70 đến 79 thường ốm đau và mất người thân (vợ hoặc chồng). Bạn bè và người quen biết của họ cũng ra đi ngày càng nhiều hơn khiến tâm lý họ bị chống chếnh, thậm chí hoang mang và nghĩ đến cái chết của chính mình. Do vậy, ngoài việc thu hẹp giao tiếp với xung quanh, NCT giai đoạn này cũng dần dần giảm bớt tham gia vào công tác xã hội và sống có phần khép kín hơn. Về tâm sinh lý, lứa tuổi này rất dễ cáu giận, mất bình tĩnh.
Với người từ 80 đến 90 tuổi, đây là lớp người thực sự “tuổi già” hay “rất cao tuổi”. Họ sống với những kí ức, hay cảm giác cô đơn và khó thích nghi với cuộc sống xung quanh. Các mối quan hệ xã hội dần dần bị xóa bỏ, khó khăn trong việc duy trì các mối liên hệ xã hội và văn hoá. Do vậy, đây là lứa tuổi gần như phụ thuộc hoàn toàn vào người thân trong việc chăm sóc sức khỏe cũng như tâm lý, tinh thần. Còn với những người 90 tuổi trở lên thường không nhiều, và họ phụ thuộc gần như hoàn toàn vào con cháu. Từ 2 nhóm độ tuổi này, NCT được ví như những “ngọn đèn trước gió”.
Đối tượng yếm thế, cần được hỗ trợ
Phân tích dưới góc độ tâm lý học, TS Trịnh Thanh Hương, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, dù thế nào cũng phải thừa nhận số lượng NCT đang ngày một gia tăng nhanh ở nước ta. Theo thống kê sơ bộ của Bộ LĐ-TB&XH, NCT chiếm tới gần 10% dân số cả nước. Vai trò của NCT trong các tổ chức chính trị xã hội hay là biểu tượng “cây cao bóng cả” trong mỗi gia đình là điều không cần phải bàn cãi.
Cụ thể, NCT sau nhiều năm học tập, lao động và cống hiến nên khi vừa bước vào giai đoạn nghỉ hưu họ vẫn là một nguồn lực quan trọng trong các hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước. Những NCT giữ các trọng trách trong hệ thống chính trị cũng không ít; trong các dòng tộc, tổ chức xã hội (khu dân cư văn hoá, tổ chức hoà giải, tổ chức khuyến học, khuyến tài… của địa phương) cũng vô cùng đông đảo. Họ thường gắn với các công việc không tên và thường là những người có uy tín, được nể trọng.
Do vậy, nếu không nhận thức và khai thác những kiến thức và kinh nghiệm của NCT sẽ là sự lãng phí rất lớn của xã hội. Bên cạnh đó, việc phân chia các giai đoạn của NCT vừa phù hợp trong công tác quản lý, vừa nắm bắt được tâm sinh lý của họ, vừa phục vụ các đề án chiến lược phát triển hệ thống an sinh, phúc lợi xã hội khi mà NCT chính là đối tượng trọng tâm. Bởi NCT dù sao cũng là đối tượng yếm thế cần hỗ trợ của cả cộng đồng xã hội chứ không chỉ riêng trong mỗi gia đình.
Chính vì vậy, việc thấu hiểu và thông cảm với NCT, hiểu và chia sẻ được những khó khăn và vất vả của người già cũng chính là cách thế hệ con cháu sẽ không phải thắc mắc với những câu hỏi: Vì sao bố mẹ mình cứ như “trẻ con”; tại sao hay trái tính trái nết, hay dỗi… để rồi từ đó có cách ứng xử, chăm sóc và phụng dưỡng phù hợp để tỏ lòng hiếu kính đúng cách theo truyền thống tốt đẹp muôn đời của người Việt.