Sau mùa mưa bão năm 2018, người dân xóm Thanh Long (tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa) lên núi Cây Sường, phát hiện các đường nứt lớn kéo dài, đất bị trượt xuống ở nhiều đoạn.

Để xác định mức độ sạt lở tại ngọn núi này, bà con đóng cọc gỗ vào các vị trí có nguy cơ sạt trượt. Sau các đợt mưa lũ, một số cọc gỗ đã bị dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu.

Dưới chân núi Cây Sường có 40 hộ dân sinh sống. 

Ông Trần Mạnh Hà, tổ trưởng tổ dân phố 8 cho biết: “Vết nứt không chạy dài mà chia ra từng khu vực dọc theo triền núi Cây Sường. Đất sụt lún, sạt trượt từng mảng rất lớn, càng ngày khối đất khổng lồ càng gần nhà của 40 hộ dân, có nguy cơ đổ ào xuống vùi lấp nếu mưa lớn kéo dài khiến nền đất yếu”.

Người dân lo lắng vì vết nứt lớn trên sườn núi. 

Gia đình ông Đinh Thanh Sơn sống ngay dưới chân núi Cây Sường, sau những trận mưa, đất đá trên triền núi đã sạt lở, trượt theo khe nước chảy xuống vườn nhà ông.

Gia đình ông Sơn đã xây tường rào để ngăn nước, đất đá nhưng lượng đất đá lớn theo dòng nước chảy mạnh từ trên ngọn núi xuống đã xô đổ bức tường.

“Đến mùa mưa, nước trên núi kèm theo đất mềm nhão tràn về khiến chúng tôi rất lo sợ. Mong chính quyền có các biện pháp chống sạt lở để người dân yên tâm hơn", ông Sơn nói.

Theo một số người dân, trên núi đã có chỗ sụt lún sâu gần 2m. Cứ đến mùa mưa bão, người dân phải đến trụ sở xã hoặc nhà văn hóa để lánh nạn. Mỗi đợt di dời như vậy thường kéo dài cả tuần.

Phần đất sụt lún ngày càng sâu.

Theo ông Trần Đình Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Quy Đạt (huyện Minh Hóa), vào mùa mưa lũ, chính quyền thị trấn bố trí lực lượng túc trực ở vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở núi để cảnh báo cho người dân được biết và phòng tránh.

"Thời điểm nhận thấy nguy cơ sạt lở núi cao, địa phương tổ chức di dời toàn bộ các hộ dân sống trong vùng nguy hiểm đi lánh nạn, đợi đến lúc an toàn người dân mới được về nhà.

Khu vực sạt lở rất rộng, mỗi lần mưa hiện tượng nứt kéo dài đẩy dần đất đá về phía nhà dân. Vừa qua có khảo sát thực hiện dự án chống sạt lở nhưng nguồn vốn không đủ để xây dựng.

Trước mắt thị trấn tuyên truyền bà con nâng cao cảnh giác, nếu có mưa kéo dài sẽ di dời các hộ này tránh nguy cơ sạt lở vùi lấp", ông Nghĩa nói thêm.

Vết nứt kéo dài trên sườn núi

Được biết, vừa qua huyện Minh Hóa đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở đồi núi tại thị trấn Quy Đạt với tổng mức đầu tư 17,5 tỷ đồng.

Thế nhưng trong quá trình khảo sát, thiết kế, nhận thấy nguồn vốn bố trí cho dự án không đủ so với quy mô đầu tư, một số phương án thiết kế đưa ra chưa khả thi nên sau đó huyện đã có văn bản xin điều chỉnh, tăng tổng mức đầu tư lên 50 tỷ đồng.

Ông Đinh Xuân Nguyên, Phó phòng NN&PTNT huyện Minh Hóa thông tin, hiện nay các thủ tục của dự án đang được UBND huyện và các sở, ngành liên quan phối hợp hoàn thiện để trình UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Để chủ động ứng phó trong mùa mưa bão, Phòng NN&PTNT đã tham mưu các phương án ứng phó kịp thời, không xảy ra bị động bất ngờ để đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân.

Mỗi khi mưa xuống, đất đá lại tràn vào vườn, nhà của các hộ dân dưới chân núi.

Theo thống kê, trước mùa mưa bão năm nay, Quảng Bình phát hiện 85 điểm dễ xảy ra sạt lở núi đe dọa tính mạng hơn 1.100 hộ dân, trong đó có 8 điểm nguy cơ cao; ghi nhận 25 khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển.

Quảng Bình đã đầu tư xây dựng 4 công trình chống sạt lở bờ suối và 1 công trình chống sạt lở đồi núi, bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ. Với mức độ sạt lở xảy ra thường xuyên, ngày càng nghiêm trọng, địa phương cũng đã có phương án di dời các hộ dân trong tình huống khẩn cấp.

Hải Sâm