Qua hành trình 40 năm đồng hành cùng UNCLOS, với những nỗ lực đóng góp của mình, Việt Nam đã chuyển đi 1 thông điệp quan trọng tới cộng đồng quốc tế là: Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của Công ước, luôn tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế. Nhà nước Việt Nam luôn quyết tâm bảo vệ chủ quyền, quyền và các lợi ích của mình được xác lập phù hợp the UNCLOS, đồng thời phấn đấu vì hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn
Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, trở thành nước đang phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045, dịp 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Là quốc gia biển, sự phát triển của các vùng biển, đảo Việt Nam có vai trò không nhỏ trong việc hiện thực hóa những mục tiêu phát triển đất nước như Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra.
Tại Hội thảo khoa học “Công tác biển, đảo Việt Nam sau 10 năm thực hiện Luật Biển 2012, 40 năm thực hiện UNCLOS 1982 và những vấn đề đặt ra đối với công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục”, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới, Bộ Ngoại giao cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy, đề cao những giá trị tốt đẹp của UNLCOS 1982, hoàn thiện các chính sách, văn bản về biển của Việt Nam, thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực biển, chủ động học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong áp dụng các quy định của UNCLOS để sử dụng và quản lý biển và đại dương một cách hiệu quả.
Đồng thời, tích cực đóng góp sáng kiến tại các cơ chế, diễn đàn thuộc khuôn khổ của Liên hợp quốc và các diễn đàn về biển và đại dương. Điều này là cần thiết để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu “đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn” theo Nghị quyết số 36 khóa XII về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, cũng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Nghiên cứu và bổ sung các căn cứ khoa học liên quan đến xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam
Đề cập đến những hoạt động nghiên cứu về biển, đảo của Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam qua 10 năm thực hiện Luật Biển năm 2012, 40 năm thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đồng chí Đỗ Huy Cường, Viện trưởng Viện địa chất và địa lý biển cho biết, Viện đã triển khai các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học khu vực Hoàng Sa và Trường; cung cấp các căn cứu khoa học phục vụ đề án xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam; xuất bản Atlas các bản đồ về điều kiện tự nhiên Biển Đông Việt Nam; hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và khảo sát khu vực biển Đông…
Ông Đỗ Huy Cường đề xuất, để phát huy hơn nữa các hoạt động nghiên cứu khoa học khu vực biển và hải đảo của Việt Nam trong giai đoạn 2022-2039, cần tập trung vào các nội dung: Tiếp tục nghiên cứu và bổ sung các căn cứ khoa học liên quan đến xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam theo các tiêu chuẩn và quy định của UNCLOS 1982; tiến hành khảo sát và thu thập các số liệu liên quan đến công tác phân vùng cấu trúc địa chất, tài nguyên khoáng sản, địa hình địa mạo các thực thể ngầm; đầu tư tàu nghiên cứu khoa học biển để phục vụ công tác điều tra, khảo sát và thu thập số liệu khoa học tổng hợp khu vực biển Đông của Việt Nam; phối hợp với các nước lớn và các nước trong khu vực trong công tác nghiên cứu khoa học, khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Tuấn Anh, Thu Thủy, Quang Ninh